Một “Thị trưởng” Hà Nội thời Trần

(ANTĐ) - Người Thị trưởng của Thăng Long ấy ở thời Trần hẳn tài năng đức độ lắm, mới được nhân dân lập đến 7 đền, miếu thờ ông. Đến mùa xuân này, Nguyễn Trung Ngạn, vị “Thị trưởng” của Thăng Long thời Trần vừa tròn 720 năm ngày sinh. Ông là một thị trưởng tài năng và vì thế, ở kinh thành xưa nay có đến 7 ngôi đền thờ. Điều khó hiểu là không biết vì lý do gì, con người nổi tiếng lẫy lừng một thuở ấy mà ở Hà Nội bây giờ vẫn chưa có một con đường mang tên ông.

Một “Thị trưởng” Hà Nội thời Trần

(ANTĐ) - Người Thị trưởng của Thăng Long ấy ở thời Trần hẳn tài năng đức độ lắm, mới được nhân dân lập đến 7 đền, miếu thờ ông. Đến mùa xuân này, Nguyễn Trung Ngạn, vị “Thị trưởng” của Thăng Long thời Trần vừa tròn 720 năm ngày sinh. Ông là một thị trưởng tài năng và vì thế, ở kinh thành xưa nay có đến 7 ngôi đền thờ. Điều khó hiểu là không biết vì lý do gì, con người nổi tiếng lẫy lừng một thuở ấy mà ở Hà Nội bây giờ vẫn chưa có một con đường mang tên ông.

Từ năm 1341, dưới Trần triều, ông được bổ là Kinh sư Đại doãn - người đứng đầu kinh thành. Có lẽ lúc bổ nhiệm Nguyễn Trung Ngạn làm “Thị trưởng” Thăng Long, hẳn nhà Trần đặc biệt coi trọng vai trò của Kinh đô Thăng Long trong tiến trình lịch sử và ngược lại, vương triều ấy đã đánh giá đúng tài năng của Kinh sư Đại doãn Nguyễn Trung Ngạn.

Cần biết rằng để được bổ nhiệm vào chức vụ này, người đó phải kinh qua thử thách ở nhiều cương vị khác nhau, từ An phủ sứ các lộ, đến cao hơn là An phủ sứ phủ Thiên Trường nơi được gọi là hành đô của nhà Trần, sau đó phải kinh qua thời gian làm việc ở Thẩm hình viện mới đủ tin cậy…

Nguyễn Trung Ngạn là người được các sử gia đánh giá là một tên tuổi lớn. Nguyễn Huy Chú từng liệt ông là 1 trong 10 đại thần có tài đức kiêm toàn, một trong những phò tá có công… ở thời Trần, nổi tiếng không kém gì Trần Quang Khải; Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi… Bằng tài năng đức độ của mình, Nguyễn Trung Ngạn đã để lại tiếng thơm,  được nhân dân yêu mến vô cùng nên vì thế mà ở Kinh thành Thăng Long xưa có đến 7 đền, miếu thờ ông.

Từng lẫy lừng thế, nhưng Nguyễn Trung Ngạn chỉ một lòng trung quân ái quốc đem lại vinh quang cho Đất Việt, ông được nhân dân tôn vinh.  Bây giờ phần lớn di tích đền miếu thờ ông đã thành phế tích và con phố mang tên ông chỉ là cái ngõ cụt…

Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn tại Hà Nội
Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn tại Hà Nội

Các nhà sử học vừa mới tìm được quê hương và năm sinh, năm mất của ông. Nguyễn Trung Ngạn hiệu Giới Hiên sinh năm 1289 và mất năm 1370. Quê gốc của ông là làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông may mắn được sinh ra và lớn lên thời đất nước yên hàn, lúc vua Trần đương chấn hưng đất nước sau khi ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, khi mà hiền tại được trọng dụng, không phân biệt đẳng cấp, giai tầng xã hội. 

Tài năng phát lộ từ rất sớm, ông từng được giao giữ chức Nhập nội đại hành khiển, tương đương chức Tể tướng. Chính bởi tài năng hơn người, lại dốc lòng vì việc lớn nên Trung Ngạn có lúc tỏ ra kiêu hùng nên không được lòng vua. Cần nhìn nhận một bài học từ trong lịch sử rằng tài năng chỉ được phát huy đặng cống hiến nhiều nhất cho dân nước chỉ có ở những thời đại nào đó phù hợp, nó phụ thuộc vào chế độ nhà nước mà nhân vật ấy, trí thức ấy đang sống…

Xuất thân trong một gia đình có nghề đàn hát, Ngạn học giỏi có tiếng, được xem là thần đồng thời ấy. Ông đậu Hoàng Giáp năm mới 16 tuổi, từng nhiều lần đi sứ Trung Quốc và chuyện ứng xử, ngoại giao cũng như tài đối đáp của ông làm thiên hạ nể trọng. Sử sách cho biết ông đã từng cùng Trương Hán Siêu soạn hai bộ sách làm cơ sở pháp lý cho Trần triều là cuốn “Hoàng Triều đại điển” và “Hình thư” (Bộ luật Hình sự).

Nguyễn Trung Ngạn còn là nhà thơ lớn. Ông làm khá nhiều thơ, tuy đến nay thất tán nhiều, chỉ còn lại một phần Giới Hiên Thi tập thơ chữ Hán do đời sau sưu tầm được. Cốt cách tấm lòng trung trinh với dân, nước của ông vằng vặc. Đọc lại những bài thơ viết trong khi đi sứ càng thấy ông là người tài ba độ lượng giàu lòng nhân… Nguyễn Trung Ngạn thi nhân đã viết những câu thơ lúc đương nhận sứ mệnh quốc gia xa nhà xa nước:

Dâu già lá rụng tằm vừa chính

Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê

Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

Dẫu vui đất khách chẳng bằng về…

Ông là một thi gia có cốt cách riêng, giọng thơ hùng hồn khí phách được xem là một “Đỗ Phủ” Việt mang tâm hồn Việt. Lính giá đồn trú từng tham chiến/Hễ nhắc Nam chinh lặng lẽ buồn… Đó là những câu thơ viết trên đường đi sứ gặp cảnh quân Nguyên Mông bại trận trở về trong chán nản, sa sút tinh thần…

Nguyễn Trung Ngạn xứng đáng được tôn vinh là danh nhân Thăng Long - Hà Nội. Cả ba ngôi đền thờ ông ở Hà Nội hiện còn cần được tôn tạo lại và tên ông, xin hãy đặt cho một con đường lớn của Thủ đô… Nhiều kiến nghị nên đặt tên một đoạn phố Mã Mây thành đường Nguyễn Trung Ngạn, nơi có đền Hương Tượng thờ ông thay cho con ngõ cụt trên phố Nguyễn Công Trứ. Mừng thay ở thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã có một con đường mang tên Nguyễn Trung Ngạn ở phường Bến Nghé…

Tân Linh