Mong một mức thưởng Tết đẹp như mùa xuân

ANTĐ - Chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm 2014, đã nhìn thấy năm 2015 phía trước. Và Tết, cũng chỉ hai tháng nữa, Tết Nguyên đán Ất Mùi cũng sẽ đến. 

Mong một mức thưởng Tết đẹp như mùa xuân ảnh 1Minh họa: Internet

Cùng với niềm vui xuân đến là những khoản chi tiêu, không trốn được, đè lên đôi vai người lao động. Về quê ăn Tết với cha mẹ, làng xóm, những món quà cho cha mẹ và manh áo mới cho các em và nhiều khoản chi cho những ngày Tết…, bao nhiêu mong đợi khoản tiền thưởng Tết sau cả một năm đằng đẵng lao động. Còn đến những hai tháng nữa, nhưng nhiều công nhân đã xao xác hỏi nhau thông tin về khoản tiền thưởng Tết. Các nhà báo cũng đã bám sát các doanh nghiệp, cố gắng tìm kiếm những tín hiệu vui. Tiếc thay các nhà báo đã thất vọng.

Một chủ doanh nghiệp may ở TP Hồ Chí Minh đã trả lời một cách lạnh lùng: Xin các anh đừng hỏi gì về Tết cũng như thưởng Tết. Chúng tôi đang mất ăn mất ngủ không phải vì thưởng Tết mà mất ăn mất ngủ để lo lương tháng 1-2015. Các anh nhớ cho, tháng sau đã tăng mức lương tối thiểu… Đang không có thêm gần một tỷ đồng cho vụ đó, nói gì đến Tết. Một chủ doanh nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng đã nửa đùa nửa thật: Liệu thưởng Tết cho công nhân mỗi người mấy trăm viên gạch có mà tha hồ ăn Tết? Chúng tôi còn tồn kho khối ra đấy. Dĩ nhiên sau đó ông này vội thanh minh là nói đùa và đề nghị các nhà báo đừng đưa câu nói đùa ấy. Thế nhưng dư vị cay đắng của câu nói đùa làm cho chúng tôi thêm thương cảm với người lao động khi mùa xuân đến, bởi thực tế đã có không ít doanh nghiệp thưởng Tết bằng… hiện vật tương tự kiểu như thưởng giấy vệ sinh, thưởng quần đùi… đã từng xảy ra ở những mùa Tết trước.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân nhận định: “Mức thưởng Tết năm 2015 do điều kiện khó khăn, nên khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp có mức thưởng khiêm tốn. Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội đã có văn bản yêu cầu các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và doanh nghiệp chuẩn bị phương án về lương, thưởng Tết năm 2015 cụ thể và báo cáo về Bộ. Đặc biệt, các doanh nghiệp có tình hình khó khăn càng cần có phương án hỗ trợ người lao động trong Tết Nguyên đán chu đáo”. Nhận định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân có nhiều cơ sở khi các số liệu cũng chứng minh cho thấy tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã có tới 60.340 doanh nghiệp phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm 8.661 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 10.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 41.532 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Tuy nhiên, cũng không quá thất vọng, theo dò hỏi từ nhiều doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp sẽ vẫn có mức thưởng tương đương năm 2014, tuy nhiên với các doanh nghiệp may, da giày… mức thưởng chỉ là ví dụ, khoảng 300.000-400.000 đồng, chưa đủ một lượt vé tàu, xe.

Thật ra, nghĩ về thưởng Tết, những thương cảm không chỉ dành cho người lao động mà còn tới các chủ doanh nghiệp. Năm ngoái, gần đến giao thừa, người dân thấy một người ăn mặc tử tế, uống rượu đế với mấy bà gánh đồ nhậu dọc bờ biển Đà Nẵng. Anh ta vừa uống rượu vừa khóc. Sau một hồi tâm sự, người ta mới biết rằng anh ta là chủ một doanh nghiệp xây dựng. Năm hết, Tết đến, không lo nổi lương thưởng cho công nhân, anh ta bỏ nhà ra đi… Vào Đà Nẵng vay tiền một ông bạn, cũng là chủ doanh nghiệp. Tiếc là anh ấy cũng không lo được tiền thưởng Tết cho công nhân. Trong khi đó, trước cửa nhà vẫn có vài chục công nhân bám trụ, chờ ông chủ về, lấy tiền về quê ăn Tết. 

Thế đấy. Thảm cảnh thưởng Tết bằng gạch hay cá tươi có lẽ khó xảy ra như những năm trước, khi mỗi lần phát thưởng Tết, những chợ cóc lại được mở ngay trước nhà máy xí nghiệp để bán đồ thưởng Tết với giá rẻ. Tuy nhiên, không nói khác được. Người lao động cũng phải gắn số phận mình, mức sống của mình với doanh nghiệp mà mình làm việc. Khoản trông đợi có thể hy vọng nhất với người lao động tại các doanh nghiệp đang bê bết vì nợ và hàng tồn kho là những khoản trợ giúp từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Xin có những điều tốt đẹp nhất đến với người lao động.