Mong được vẽ với tất cả tình yêu
(ANTĐ) - Nữ họa sỹ Văn Dương Thành quê Phú Yên, lớn lên ở Hà Nội, đã có 12 năm học tại trường nghệ thuật I’Ecole de Beaux Đông Dương, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, học trò của các họa sĩ bậc thầy: Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng. Bà giảng dạy mỹ thuật tại châu Âu, Mỹ từ năm 1988 và năm 2011 về đón tết, sống tại TP.HCM.
- Bà là người hiếm hoi của mỹ thuật Việt Nam giảng dạy tại nước ngoài. Cảm xúc của bà khi về quê hương ăn tết?
- Được ăn tết ở quê hương, đâu nào bằng. Đó không chỉ là tận hưởng màu sắc của hoa tràn ngập khắp nơi, ai ai cũng vui tươi sắm sửa, hội hè, gặp nhau sum vầy... mà đó còn là cảm xúc thiêng liêng, một mái ấm quê nhà, một sự hãnh diện vì đất nước thay da đổi thịt, một tình yêu lúc nào cũng chực vỡ òa... Mùa xuân năm nay đối với gia đình chúng tôi cũng thật khác biệt, nó đánh dấu một sự trở về để mở triển lãm “Một thoáng quê hương” tại TP.HCM.
- Bà đã sống ở Hà Nội, tranh bà vẽ Hà Nội, có điều gì khác?
- Tết ở Việt Nam hơn bất cứ đâu, là tết của mọi người, yên bình, ấm áp, người thân luôn mở cửa đón chào. Có lẽ thế khi đi giảng dạy ở nhiều nước, tôi luôn đem hình ảnh tết để nói với bạn bè thế giới. Tết Việt Nam đẹp lắm, nhất là tết ở Hà Nội. Nhưng đối với tôi, “Phố Hàng Bạc” là một chiều đông mưa phùn xam xám lạnh nỗi nhớ, “Đêm trên ngõ Phất Lộc” là màn đêm tim tím mênh mang màu nhớ... Tôi bị nhiễm phong cách Phố Phái nên tranh đôi chỗ rêu phong cổ kính và nhiều hoài niệm. Song sau thời gian sống ở Thụy Điển, tranh về Hà Nội tôi vẽ đã kết hợp hài hòa giữa phong cách Á Đông và châu Âu và sau này “Mái nhà hồng”, “Mái cổ bên chồi cây” đã tưng bừng sắc xuân tươi với những gam màu rực rỡ... 1.600 tác phẩm chủ yếu về phong cảnh, con người Việt Nam đã được giới mỹ thuật châu Âu, Mỹ đánh giá cao qua 65 triển lãm.
- Bà chọn TP.HCM để vẽ tiếp những hình ảnh quê hương Việt Nam?
- Tôi hiện là giảng viên mỹ thuật người Việt duy nhất có được một Hội Mỹ thuật mang tên mình ở nước ngoài (Thành - Gruppen) và có nhiều tranh trưng bày tại các bảo tàng mỹ thuật Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển... Nhưng tôi quyết định trở về Việt Nam định cư, đơn giản là để được tái hiện đầy đủ những sắc màu, để được vẽ với tất cả hơi thở, tình yêu dành cho đất Mẹ thân yêu. Và “Những người đàn bà gánh gạo”, “Phụ nữ khâu nón lá” miền sông nước đồng bằng Cửu Long hay những “Bầy sếu dưới ánh trăng xanh”, “Sum vầy” là lời cảm ơn quê hương cho lần trở về sau 20 năm xa xứ.
Tôi sẽ cùng những người bạn quốc tế tổ chức nhiều triển lãm, quyên góp tiền để in sách, mở các lớp vẽ cho trẻ em thiệt thòi; chúng tôi sẽ hỗ trợ, đóng góp cho các nạn nhân da cam, thân nhân liệt sỹ và trẻ em ở các mái ấm... Đó cũng là cách để tôi cảm nhận tình yêu quê hương, để sống, sáng tác những điều thật đẹp, thật giản dị xung quanh mình.
Cầm Linh