Mỏi mắt chờ kiểm định chất lượng giáo dục

ANTĐ - Gần 500 trường ĐH, CĐ trên cả nước sẽ bắt buộc phải thực hiện chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục 5 năm/lần. Tuy nhiên, đến 25-11-2013, Bộ GD-ĐT mới có quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ 2 trên cả nước, trực thuộc ĐHQG TP.HCM. Trung bình 100 trường phải được kiểm định mỗi năm là con số không nhỏ đối với  2 trung tâm kiểm định.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập muốn được đánh giá công bằng thông qua kiểm định chất lượng

Nhu cầu lớn, đáp ứng nhỏ giọt

Sau gần 3 tháng chính thức ra quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội thì cuối tháng 11-2013, Bộ GD-ĐT mới công nhận đơn vị thứ 2 được quyền đánh giá và công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước trực thuộc ĐHQG TP.HCM. Với chức năng hoạt động của mình, cả hai tổ chức này được quyền đưa ra quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ 3. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết năm 2014 trung tâm này sẽ đi vào hoạt động, với nhiệm vụ tham gia kiểm định chất lượng giáo dục các trường ĐH, CĐ, TCCN trong cả nước. 

Hiện tại, cả nước có gần 500 trường ĐH, CĐ với yêu cầu của Bộ GD-ĐT bắt buộc phải thực hiện chu kỳ 5 năm/lần kiểm định, tính trung bình mỗi năm 2 tổ chức này sẽ tiến hành kiểm định 100 trường ĐH, CĐ. Trong khi đó, dự kiến mỗi trung tâm kiểm định thuộc các ĐH quốc gia sẽ có khoảng 30 kiểm định viên và 25 nhân viên hỗ trợ, trong khi đây là khối lượng công việc khổng lồ. Nhận xét về vấn đề này, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Điện lực cho rằng trước đến nay tiến độ kiểm định của các trường ĐH, CĐ là rất chậm. Nay với việc thành lập mới 2 trung tâm này thì yêu cầu kiểm định 100 trường ĐH, CĐ/năm sẽ “quá tải”. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng kết quả kiểm định để phân loại các trường ĐH, từ đó làm căn cứ đầu tư ngân sách tập trung thay vì dàn trải như hiện nay đã được Bộ GD-ĐT nêu ra như một trong những biện pháp chính để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Chưa “mở cửa” lĩnh vực kiểm định cho tư nhân

Một trong những người “sốt ruột” nhất hiện nay về nhu cầu được kiểm định chính là các nhà đầu tư khối trường ngoài công lập. Đây được coi là sự khẳng định uy tín, thương hiệu rõ ràng nhất với các trường này. Chính vì vậy, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, hiệp hội đã đề xuất từ lâu với Bộ GD-ĐT về việc cho thành lập đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục của riêng hiệp hội. 

Tuy nhiên, điều này có vẻ không khả thi, ít nhất là từ nay cho đến hết năm 2015. Bởi lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định, với quy định mới nhất, đồng ý cho phép thành lập các tổ chức kiểm định tư nhân nhưng nêu rõ, trong giai đoạn 2012-2015 chỉ thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước. Trong giai đoạn sau năm 2015, cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đơn vị cho phép thành lập là Bộ GD-ĐT. 

Phân tích về vấn đề này, ông Bùi Đức Hiền cho rằng, kiểm định giáo dục là việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam, vì thế trong giai đoạn chuyển tiếp cần có những chuyên gia kiểm định am hiểu về giáo dục, nếu thực sự muốn đi vào chất lượng thay vì hình thức. 

Một chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT cho biết, sở dĩ bước đầu chỉ thành lập các tổ chức của nhà nước là để tránh việc tư nhân chạy theo lợi nhuận khi năng lực quản lý và hoạt động còn hạn chế. Thêm vào đó việc tổ chức kiểm định là hoạt động mới ở Việt Nam, còn ít kinh nghiệm hoạt động và quản lý, nguồn lực hạn chế  nên cần chia làm các giai đoạn. Như vậy, với sự “dè chừng” này của Bộ GD-ĐT, việc xếp hàng chờ kiểm định là điều các trường ĐH, CĐ cả nước phải chấp nhận ít nhất đến hết năm 2015.