- Công an quận Tây Hồ vận động đối tượng giết người ra đầu thú
- Quy trình quản lý, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã là cần thiết
- Nhiều mô hình giúp đỡ người có quá khứ lỗi lẫm, quyết tâm hoàn lương, xây dựng cuộc sống
Đại diện tập thể, cá nhân được khen thưởng với mô hình dân vận khéo năm 2022 |
Phát huy sức mạnh tổng hợp từ các mô hình dân vận
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng - Lê Trí Vũ cho biết: Với mục tiêu quan trọng nhất là tham gia xây dựng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, các mô hình Dân vận khéo của thành phố đã và đang mang lại những kết quả cụ thể, tích cực, được người dân ủng hộ và qua đó cũng nâng cao chất lượng công tác dân vận của Thành ủy và thành phố Hải Phòng. Qua đó, rất nhiều mô hình Dân vận khéo của Thành phố Hải Phòng đang hoạt động hiệu quả”.
Điển hình như Đội 1, Phòng PV05, Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai thành công mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa, chủ động tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Trước thực tế tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến; các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, khiếu kiện cực đoan trên địa bàn thường xuyên sử dụng các tài khoản mạng xã hội như để đăng tin, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, tuyên truyền, phê phán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận các thành tựu phát triển của đất nước và thành phố; sự hình thành tự phát các hội, nhóm trên mạng xã hội diễn ra ngày càng gia tăng, vì thế công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố.
Mô hình được thực hiện trên địa bàn thành phố; tác động đến tất cả các cơ quan, đơn vị các tổ chức, cá nhân, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên địa bàn thành phố. Phát huy tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng nòng cốt là công an trong việc tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, chủ động tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Phòng đã thành lập Tổ tuyên truyền, phân công cán bộ quản lý trang Fanpage: “An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, hằng ngày trực kết nối và truy cập trang mạng xã hội của đơn vị để tham gia tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác; chủ động tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Thực hiện các quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư theo quy định. Tuyển chọn, tập huấn báo cáo viên là các cán bộ Chi đoàn thanh niên đơn vị tham gia các buổi tuyên truyền trên địa bàn thành phố.
Có rất nhiều hoạt động nổi bật đã được tổ chức, như: Tham mưu tổ chức buổi Hội nghị diễn tập về phòng, chống tấn công mạng trên địa bàn thành phố và tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy định về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của hơn 350 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề: "Thanh niên với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và an ninh mạng trong tình hình mới" tại trường THPT Thái Phiên.
Việc triển khai mô hình đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, phòng ngừa, chủ động tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng của công nhân, sinh viên, học sinh và nhân dân thành phố. Mô hình được các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn thành phố tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao.
Biến chủ trương thành hành động cụ thể
Công tác dân vận hiệu quả đã lan tỏa và phát huy sức mạnh, biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống nhân dân. Cụ thể, Hội Cựu Chiến binh thành phố Hải Phòng đã và đang tiếp tục triển khai mô hình “Vận động xã hội hóa sửa chữa, xây mới tặng nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho hội viên cựu chiến binh khó khăn về nhà ở”, Chủ trương này được thực hiện từ sự chỉ đạo của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, qua khảo sát thực tiễn về nhà ở của hội viên nhất là khu vực các huyện ngoại thành, nhiều hội viên trải qua các cuộc kháng chiến, mang thương tích, ốm đau bệnh tật, gia đình neo đơn thiếu sức lao động, nhà ở xuống cấp, dột nát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống khi tuổi cao sức yếu.
Hội Cựu chiến binh thành phố và các cấp Hội đã thực hiện nhiều cách thức vận động nguồn lực, như: Vận động, quyên góp từ hội viên; cán bộ hội các cấp gương mẫu đóng góp trước. Kết hợp vận động các ban, ngành, đoàn thể và nguồn kinh phí phần lớn là vận động các doanh nhân, doanh nghiệp Cựu chiến binh, các nhà hảo tâm đóng góp. Các doanh nhân, các nhà hảo tâm đến gia đình Cựu chiến binh tài trợ trực tiếp để xây dựng nhà.
Mỗi nhà xây mới hỗ trợ tối thiểu 60 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 30 triệu, kết hợp với kinh phí của gia đình, dòng họ và các nguồn khác để hoàn thành công trình. Tổ chức Hội cơ sở là đầu mối liên hệ làm các thủ tục xây dựng và hồ sơ báo cáo các cấp. Hội viên Cựu chiến binh giúp ngày công xây dựng.
Từ năm 2019 đến 11- 2022 đã vận động hội viên và làm công tác xã hội hóa hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 121 ngôi nhà "Nghĩa tình đồng đội" với kinh phí hơn 7 tỷ đồng và gần 600 ngày công lao động của hội viên Cựu chiến binh; giúp 121 gia đình hội viên Cựu chiến binh có khó khăn về nhà ở; đây là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo hội viên Cựu chiến binh ủng hộ tham gia.
Đồng hành với công nhân lao động
Tại Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố có mô hình “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn”. Đây là hoạt động thực hiện chủ đề năm của thành phố, hướng tới xây dựng nếp sống văn minh, đoàn kết gắn bó, an toàn trong công nhân tại các khu nhà trọ; góp phần xây dựng các khu dân cư, tổ dân phố văn minh trên địa bàn.
Mô hình “Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC” của anh Vũ Văn Quân, Phó Bí thư chi đoàn thôn Kỳ Sơn xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy |
Theo đó, mô hình “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn” được chỉ đạo triển khai trên địa bàn các quận, huyện: Dương Kinh, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; được đông đảo công nhân nhập cư ở các khu nhà trọ đón nhận, hưởng ứng, tham gia. Đặc biệt, chính quyền địa phương, các thôn, tổ dân phố, chủ nhà trọ rất phấn khởi, đánh giá cao các hoạt động của LĐLĐ thành phố, LĐLĐ quận, huyện. Triển khai mô hình nhằm chăm lo vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân nhà trọ.
Đến nay, thông qua mô hình đã trang bị 700 thùng rác cho 38 khu thí điểm và các khu nhà trọ công nhân; lắp đặt thành công hệ thống truy nhập Internet không dây miễn phí cho 79 khu nhà trọ công nhân với trên 3.000 công nhân thụ thưởng trên địa bàn các quận, huyện: Dương Kinh, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên. Hệ thống Truy nhập Internet không dây miễn phí được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1- 2022.
Tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần: Tổ chức tư vấn, khám sàng lọc sức khỏe và phát thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho 1.498 công nhân các khu nhà trọ với tổng số tiền gần 450 triệu đồng. Thăm và tặng quà cho 3.500 CNLĐ tại các khu nhà trọ không về quê đón Tết. Thăm, chúc Tết, lì xì đầu xuân cho 778 CNLĐ tại các khu nhà trọ trở lại làm việc với tổng số tiền 77,8 triệu đồng; Tổ chức xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho 2.038 công nhân các khu nhà trọ.
Thanh niên hỗ trợ nhau giải quyết việc làm
Thanh niên là lực lượng quan trọng của mỗi địa phương. Chính vì vậy, mô hình dân vận trong thanh niên, của thanh niên được Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng quan tâm, biểu dương. Năm nay, mô hình tiêu biểu thuộc về anh Vũ Văn Quân, Phó Bí thư chi đoàn thôn Kỳ Sơn xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy: Mô hình “Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC”.
Vũ Văn Quân đã tuyên truyền, vận động các hộ liền kề cho thuê ruộng để xây dựng mô hình trang trại VAC, đã tích tụ được 40.000m2; lập trang Fanpage “Thanh niên khởi nghiệp” có 78.000 thành viên trên mọi miền Tổ quốc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chó rottweiler thuần chủng của Đức; nuôi gà chọi; nuôi cá Koi Nhật Bản và cá trắm cỏ; trồng dừa xiêm lùn; đầu tư vốn để thực hiện mô hình VAC và tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Vốn đầu tư mức ban đầu là 2 tỷ đồng, nuôi 15 con chó rottweiler thuần chủng của Đức, mỗi năm xuất từ 20-30 chó con; nuôi 150 gà mái đẻ, hàng trăm gà chọi và 2.000 gà con giống; nuôi cá chép Koi Nhật Bản và cá trắm cỏ, mỗi năm thu được 5 tấn-7 tấn cá; trồng 500 cây dừa xiêm lùn… Tổng doanh thu có năm đạt hơn 1,4 tỷ, tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên với mức lương 5 triệu đồng/tháng, 10 lao động thời vụ với mức lương 250.000 đồng/ ngày.
Mô hình góp phần phát triển kinh tế tại địa phương và trao đổi kinh nghiệm với các bạn đoàn viên, thanh niên ở các địa phương khác về kỹ năng khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hiệu quả từ mô hình VAC. Từ lợi nhuận thu được, hằng năm Vũ Văn Quân đã trích ra một phần kinh phí tổ chức các hoạt động thiện nguyện (như làm từ thiện ở Làng trẻ SOS, ủng hộ đồng bào lũ lụt tại tình Hòa Bình, giúp người khó khăn ở Lào Cai, giúp đỡ người nghèo trên quê hương Tân Trào), mỗi năm trị giá hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Lê Trí Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng: “Sức sống và sự lan tỏa của các mô hình trong thực tế cuộc sống của người dân có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, Ban Dân vận Thành ủy sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan bám sát thực tế mô hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy những giải pháp tốt đã thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm những hạn chế trong việc thực hiện mô hình. Qua đó, quyết tâm lan tỏa những mô hình tiêu biểu rộng khắp trên địa bàn toàn thành phố”.