Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trong vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra Kết luận điều tra vụ Thuận An, đồng thời đề nghị truy tố 30 bị can về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong đó, bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An) và 26 bị can bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Thuận An được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Hưng nắm giữ 85,3% vốn. Ngoài ra, Hưng còn thành lập, chỉ đạo và điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Thuận An để phục vụ hoạt động thi công, xây lắp các dự án xây dựng.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trước ngày thông xe

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trước ngày thông xe

Các sai phạm của Nguyễn Duy Hưng cùng 29 bị can liên quan xảy ra tại các dự án, gói thầu, vụ việc ở 4 địa phương là Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội.

Tại Bắc Giang, Cơ quan điều tra làm rõ 10 bị can sai phạm về đấu thầu. Một số bị can có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi liên quan tới gói thầu số 07 Dự án Cầu Đồng Việt.

Tại Quảng Ninh, Cơ quan điều tra xác định, hành vi vi phạm đấu thầu xảy ra tại gói thầu số 13, Dự án Đường ven sông Hạ Long- Đông Triều. Tại Hà Nội, các sai phạm đấu thầu xảy ra tại gói thầu số 2, Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng. Tại Bộ Giao thông Vận tải, các sai phạm thầu xảy ra tại gói thầu số XD01, XD02, Dự án Quốc lộ 14E (Quảng Nam).

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền 120 tỷ đồng tại các dự án nói trên.

Theo kết luận, một trong những dự án mà 2 bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) và Nguyễn Duy Hưng có liên quan là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội). Tập đoàn Thuận An cùng Công ty Cầu 7 Thăng Long liên danh và trúng thầu dự án này với giá trị hơn 289 tỷ đồng.

Theo đó, đầu năm 2020, bị can Nguyễn Duy Hưng nhờ bị can Phạm Thái Hà giới thiệu tới gặp Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội (Ban QLDA) nhằm để Tập đoàn Thuận An được thi công một phần Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Sau một vài lần trao đổi, Tuấn trả lời Hưng là “sẽ nghiên cứu”.

Bị can Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An

Bị can Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An

Sau một thời gian, Phạm Hoàng Tuấn báo cáo tình hình triển khai các gói thầu giao thông, trong đó có Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Vài hôm sau, khi Nguyễn Duy Hưng đến phòng làm việc của Phạm Hoàng Tuấn và đề nghị tạo điều kiện. Lần này, Tuấn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hưng.

Cùng thời gian, Trần Việt Khoa - Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long biết có gói thầu cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nên cũng đặt vấn đề muốn tham gia thi công. Qua giới thiệu của nhân viên Ban QLDA, các doanh nghiệp Cầu 7 Thăng Long và Thuận An tiến hành lập liên danh để đấu thầu dù cả hai bên đều không đủ điều kiện thi công.

Quá trình triển khai gói thầu số 2 Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các bị can tại Ban QLDA đã cho phía nhà thầu xin copy file hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật và dự toán để Tập đoàn Thuận An lập hồ sơ dự thầu với giá phù hợp và đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Đến cuối tháng 11-2020, trước ngày nộp hồ sơ dự thầu, các bị can tại Ban QLDA kiểm tra hồ sơ của Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long để thông báo lại cho doanh nghiệp chỉnh sửa trước khi nộp, đảm bảo chắc chắn trúng thầu.

Do được giúp đỡ trái pháp luật nên liên danh của Thuận An sau đó trúng thầu và thi công. Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng Long vì thế đã chi cho 13 cá nhân tại Ban QLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu, Tổ tư vấn giám sát với tổng số tiền là hơn 12 tỷ đồng.

Trong đó, bị can Phạm Hoàng Tuấn nhận 2 tỷ đồng; Nguyễn Chí Cường (cựu Phó Giám đốc Ban QLDA) 2 tỷ đồng; Phạm Văn Duân (cựu Giám đốc Ban QLDA) nhận tổng cộng 2,3 tỷ đồng. Đến nay, các cá nhân này đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.

Quá trình thi công, để có tiền bù đắp chi phí, Nguyễn Duy Hưng đã gửi giá và thu về hơn 9,2 tỷ đồng chênh lệch đầu vào đối với 4 đơn vị thi công cùng nhà cung cấp vật liệu.