“Mẹ tự hào có rất nhiều con trai là chiến sỹ ngoài đảo Trường Sa, Hoàng Sa”

ANTĐ - Câu chuyện của người mẹ Hoàng Thị Thành là một trong số hàng triệu triệu tấm lòng người Việt đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Ở nơi đây, trong đất liền, người mẹ Hoàng Thị Thành cũng như biết bao người bà, người mẹ khác vẫn đêm ngày dõi theo các cháu, các con của mình - những người lính Hải quân chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những dòng chữ viết tay chậm chạp của mẹ Hoàng Thị Thành đã kết thành bức tâm thư xúc động của tình mẹ gửi tặng lính đảo với lời gửi gắm rằng các con ngoài tiền tuyến ấy dẫu trải qua bao phong ba, sóng gió nhưng vẫn luôn chân cứng đá mềm, vững lòng kiên trung để Tổ quốc mãi mãi xinh tươi, giàu đẹp.

Tình cảm của một người mẹ

Lần theo địa chỉ không rõ ràng, dò hỏi nhiều người dân trong khu tập thể Đường Sắt, ngõ 1, phố Khâm Thiên, Hà Nội chúng tôi mới tìm đến được nhà bà Hoàng Thị Thành (SN 1940). Trong căn hộ nhỏ trên tầng 2, tuy tuổi đã cao, chân bị đau nhưng bà vui lắm khi biết khách ghé thăm với lý do hỏi về bức thư của bà gửi đến các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa và Hoàng Sa. Bà Hoàng Thị Thành tâm sự: “Hàng ngày mỗi lần nghe đài, xem tivi hay đọc báo nhắc đến các chiến sỹ ngoài hải đảo phải gian nan làm sao, vất vả thế nào là tôi lại ứa nước mắt. Tôi chỉ có duy nhất một cô con gái chứ không có cậu con trai nào cả, vậy là tự nhiên như tấm lòng của một người mẹ, tôi luôn nghĩ và coi các chiến sỹ ngoài đảo xa kia như con trai của mình vậy! Tôi đã ước gì mình cũng có 1 người con trai ruột đang vững tay súng làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thì tự hào biết mấy. Nhưng nhìn thấy các anh - những người lính Hải quân dũng cảm đã khiến tôi xúc động lắm; ăn thì không được đầy đủ, ngủ thì không được đủ giấc, đêm ngày vất vả thực hiện nhiệm vụ đã là nguồn cảm xúc khiến tôi phải làm một điều gì đó... 

Vì tuổi đã cao nên tay cũng bị run, cầm cây bút nắn nót từng chữ đi ra từ tâm khảm của tôi. Những cảm xúc không đầu không cuối, cứ viết thôi, nghĩ gì viết nấy, 3 giờ đồng hồ bức thư cũng được đặt dấu chấm cuối cùng. Mà viết xong thì thú thật tôi lại vướng vào băn khoăn: Không biết gửi bức thư này đi đâu? Không lẽ viết xong lại để đấy?”.

Cánh thư không lỗi nhịp 

…“Đem nguyên băn khoăn ấy tôi tìm gặp chị Trưởng ban phụ nữ Cụm dân cư số 7 và một số người cao tuổi là các cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu nơi tôi đang sống để hỏi: “Bây giờ tôi viết bức thư nội dung như vậy và muốn ủng hộ một ít tiền cho chiến sỹ đang công tác ngoài hải đảo thì gửi đi đâu?”. Chẳng ai đưa ra được một địa chỉ cụ thể cho tôi và hẹn sẽ hỏi giúp. Chờ 3 ngày sau chưa nhận được câu trả lời tôi quyết phải tự làm bằng được chứ không đợi nữa. Hôm đó tôi nghe loáng thoáng có người gợi ý nhưng không chắc chắn là đến một địa chỉ trên phố Trần Bình Trọng; sáng ngày thứ 4 tôi rời nhà, gọi một anh xe ôm chở tôi đến địa chỉ nghe được hôm trước trên phố Trần Bình Trọng. Đến nơi thì không phải, ở đấy người ta lại chỉ tôi ra số 14 Trần Bình Trọng thì lại là Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Có chút buồn nhưng không nản, ở đây họ mách tôi đến một địa chỉ khác ở phố Trần Hưng Đạo. Một lần nữa tôi rơi vào trạng thái thất vọng và bảo anh xe ôm chở tôi về thôi chứ đi loanh quanh thế này sẽ chẳng giải quyết được gì vì chẳng biết địa chỉ nào cụ thể có thể chuyển giúp tôi bức thư và chút tiền nhỏ” - bà Hoàng Thị Thành kể lại. 

“Trở về với hàng loạt câu hỏi trong đầu, ngày hôm sau tôi lại tìm gặp chị Trưởng ban phụ nữ hỏi lại: “Chị ơi bây giờ thì làm thế nào? Chị đã hỏi giúp tôi được chưa? Đã biết gửi đến địa chỉ nào chưa vậy?”. Chị đáp lại: “Tôi hỏi rồi nhưng ở mãi tít tận Hải Phòng cơ. Xa vậy thì làm thế nào đây?”. Bần thần một hồi tôi tâm sự một cách vu vơ: “Hay là tôi mang đến Quận đội trên địa bàn quận mình để gửi?”. Nói là làm, tôi đến và gặp một cán bộ ở đó. Biết nguyện vọng của tôi anh đã giúp đỡ vô cùng nhiệt tình. Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, anh đã tận tình đèo tôi đến một cơ quan báo chí để thông qua báo giúp tôi gửi bức và chút tiền nhỏ đến các chiến sỹ ngoài đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Sau khi hoàn thành được tâm niệm, tôi thở phào trở về nhà trong một tâm trạng vô cùng nhẹ nhõm. Vài ngày sau, trong lúc đi chợ một người hàng xóm gọi giật tôi lại nói: “Bà Thành ơi, bức thư của bà đã đi toàn thế giới rồi này!”. Tôi đáp lại: “Sống ngần này tuổi rồi, đừng đùa tôi vậy chứ?”. Vừa dứt câu nói người hàng xóm dắt tay tôi vào nhà và bật máy tính lên cho tôi xem. Nét chữ tôi kia, bức thư của tôi kia rồi, chắc các chiến sỹ ngoài đảo đã nhận được rồi!”… 

“Đã có mẹ là hậu phương vững chắc…” 

“Thư gửi các con ngoài hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân thương! 

…Mẹ xem và theo dõi các kênh thông tin truyền hình đại chúng, mẹ cảm thấy các con của mẹ rất là dũng cảm, hàng ngày lái con tàu ra khơi để đối mặt đấu tranh với kẻ đang lâm le xâm chiếm vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta ở đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mẹ rất cảm kích những tinh thần bất khuất dũng cảm ấy của các con, đấu tranh vì nhân dân, vì Tổ quốc, quên mình không sợ gian nguy vất vả, không tiếc máu xương quyết một lòng đấu tranh dành chủ quyền vùng trời, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa cho Tổ quốc, dân ta được bình yên. 

Mẹ không có con trai nhưng mẹ từ hào là mẹ có rất rất nhiều con trai của mẹ là chiến sỹ đang ở ngoài hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đất nước Việt Nam ta. Mẹ tin rằng các con của mẹ cầm lái con tầu vững chắc và thông minh. Chính nghĩa sẽ nhất định chiến thắng quân bạo tàn xâm chiếm. Lời Bác nói, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì bất cứ kẻ thù nào cũng đánh thắng. Lá thư này mẹ viết gửi các con ở ngoài hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa, không thể nói hết được công lao to lớn và gian khổ vất vả của các con ngoài hải đảo. Các con nhận được lá thư này của mẹ các con tự tin và mạnh mẽ cầm lái con tầu vững chắc để đấu tranh xua đuổi bọn tham lam, cuồng vọng nhất định phải nhổ giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng chủ quyền của đất nước ta mà chúng đặt trái phép ở đảo Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ nước Việt Nam ta về Trung Quốc. 

Cuối thư mẹ chẳng biết nói gì hơn nữa, mẹ chúc các con thật khỏe mạnh để lái con tầu ra biển khơi vững vàng, chắc tay súng để bảo vệ vùng trời vùng biển thuộc chủ quyền nước Việt Nam ta được yên bình. Đồng thời mẹ cũng có chút quà tặng các con ở Trường Sa, Hoàng Sa, tuy rằng số tiền ít ỏi mà mẹ tiết kiệm lâu nay được mẹ xin gửi tặng các con ở ngoài hải đảo là tinh thần kích lệ, động viên các con cố nên và mạnh mẽ hơn. Các con của mẹ ở ngoài hải đảo thân thương! Các con hãy yên tâm, đã có các mẹ là hậu phương vững chắc để các con hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là tất cả tấm lòng người mẹ tiếp thêm sức mạnh để các con vững vàng chèo lái con tầu ra khơi mạnh mẽ tự tin là vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền nước Việt Nam ta nhất định chiến thắng”… 

Triệu triệu trái tim góp thành sức mạnh 

Trong căn hộ tập thể với cuộc sống một mình, đạm bạc với mức lương hưu hơn 2 triệu đồng, chúng tôi chia sẻ với bà Thành rằng bà đã làm một việc thật tốt cho cộng đồng, xã hội, ở hậu phương nơi Thủ đô yêu dấu bà cũng là một người chiến sỹ yêu nước khi truyền sức mạnh tinh thần cho tiền tuyến thì được bà tâm sự: “Thôi thì số tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng tinh thần, tấm lòng của tôi sẽ thay lời động viên đến các chiến sỹ ngoài đảo xa. Ở nơi tôi đang sinh sống, mình phải cùng với các bà, các mẹ coi các chiến sỹ như con trai máu mủ ruột thịt của mình sinh ra; phải thể hiện được tình cảm của những người mẹ Việt Nam động viên khích lệ để các chiến sỹ tin tưởng mình là những người mẹ vững chắc ở hậu phương”. 

Một lá thư với vài trang viết, những dòng chữ xúc động của mẹ Hoàng Thị Thành chưa thể nói hết tấm lòng của một người mẹ dành cho các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió mà bà đã coi như những người con trai của mình… Nhưng câu chuyện của mẹ Hoàng Thị Thành là một trong số hàng triệu tấm lòng người Việt đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Đó cũng là một cách thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân với Tổ quốc thân yêu. Bà Thành cho biết thời gian gần đây bà vui lắm vì biết giống như bà cũng có triệu triệu những cánh thư chất chứa những dòng tâm sự yêu thương được gửi đi từ đất liền tới biển xanh ngoài đảo xa của mọi tầng lớp nhân dân từ người già, trẻ nhỏ, các em học sinh... Đặc biệt trong đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Thang đã gửi 1 bức tâm thư cùng với cuốn sổ tiết kiệm mà mẹ được hưởng đến cuối đời để gửi tặng cho những Cảnh sát Biển, Kiểm ngư và Hải quân đang ngày đêm vượt qua sóng gió thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng giống như Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Thang, mẹ Hoàng Thị Thành cũng muốn một lần được ra các đảo thăm các chiến sỹ - những người lính mà các mẹ coi như con trai mình, thấy các con vất vả mẹ thương lắm, nhưng mẹ đã già không đi lại được nữa... 

*      *      *

Những cánh thư từ hậu phương của những người mẹ Việt Nam gửi tới những người lính ngoài đảo xa được ví như cánh hải âu vượt muôn trùng sóng gió, nhắn lời dặn dò, động viên, sự khích lệ, sẻ chia để nhân lên niềm tin cho những người lính Hải quân. Đọc lá thư của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Thang, của mẹ Hoàng Thị Thành… gửi cho người lính nơi biên thùy đã mang đến cho triệu triệu con dân đất Việt sự đồng cảm to lớn của người lính phải xa nhà, xa mẹ cha, xa vợ con… nhưng họ vẫn tràn đầy niềm tin, sự lạc quan về cuộc sống và nhiệm vụ thiêng liêng nơi Biển Đông sóng vỗ. Lá thư hậu phương của các mẹ Việt Nam nói riêng và của tất cả người dân Việt Nam nói chung chính là sức sống, nguồn lực mạnh mẽ để người lính tiếp bước bảo vệ vùng trời bình yên.