Mất tiền rước “họa”
(ANTĐ) - Ăn uống và đi lại là hai trong số những nhu cầu thiết yếu của con người. Ở nước ta lại là hai vấn đề nan giải nhất hiện nay. Công luận và dư luận đã tốn quá nhiều thời gian và công sức nói về tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và sự bất an trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành khảo sát thực tế tình trạng nhập khẩu thực phẩm, rau quả.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước ta đã bỏ ra hơn 1.558,7 triệu USD để nhập khẩu các loại thực phẩm. Đáng lo ngại là việc kiểm soát chủ yếu qua đường chính ngạch, còn đường tiểu ngạch thì buông lỏng. Việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhập khẩu được giao cho 13 cơ quan Nhà nước do Bộ Y tế chỉ định, nhưng chỉ đủ sức kiểm soát thực phẩm chính ngạch. Song, đáng sợ là kiểm tra chủ yếu bằng “cảm quan”, “cảm tính”.
Đoàn giám sát của Quốc hội đã phát hiện ở một số cửa khẩu, trang thiết bị kiểm nghiệm vừa thiếu, vừa lạc hậu. Chính ngạch là thế, còn tiểu ngạch tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình mỗi ngày có tới 100 tấn hoa quả nhập vào nước ta, nhưng khâu kiểm tra an toàn thực phẩm hầu như số không. Chỉ riêng năm 2008, Chi cục Thú y Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai phối hợp với hải quan, bộ đội biên phòng và các chi cục kiểm dịch động vật đã tiêu hủy 72 tấn sản phẩm động vật các loại, 75.000 trứng gia cầm và trên 82.000 con gia cầm bẩn. Làm một phép tính chi ly thì số tiền mà nước ta mất đi để nhập khẩu thực phẩm bẩn, tức là tiền rước “họa” vào mình có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội, sau một cuộc thị sát tại các cửa khẩu biên giới, thực sự “giật mình” về tình trạng người vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 2,5 triệu đồng từ bên kia biên giới vào nội địa mà không phải qua kiểm soát, đóng thuế. Tại cửa khẩu Tân Thanh, chỉ trong một ngày đã có khoảng 1.300 người mang hàng hóa vào Việt Nam mà không phải qua bất cứ sự kiểm soát nào. Tình trạng cũng tương tự phổ biến ở các cửa khẩu An Giang, Lao Bảo. Tính sơ sơ, mỗi ngày nước ta đã bỏ ra hàng tỷ đồng nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm bẩn. Hiển nhiên là nước ta đã mất đi một khoản ngoại tệ lớn để “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh nhập vào mồm), song trớ trêu hơn là các cơ quan quản lý Nhà nước lại tiêu tốn một khoản nội tệ không nhỏ cho việc soạn thảo, xây dựng các văn bản, pháp quy nhằm mục đích quản lý thực phẩm “bẩn”.
Trong khi đó, số tiền để phục vụ cho người dân trong việc quản lý VSATTP thì chưa đủ mua một mớ rau, chỉ có 800 đồng/người/năm. Đặt bên cạnh số tiền phải bỏ ra cho việc soạn thảo văn bản thì gấp hàng chục nghìn lần. Chỉ đơn cử, kinh phí chi cho việc xây dựng các văn bản giai đoạn 2004-2006 đã là 1,63 triệu đồng/tỉnh/năm. Trong 2 năm 2007-2008 tăng vọt lên gấp đôi 3,05 triệu đồng/tỉnh/năm. Phó Chủ tịch Quốc hội đã phải kêu rằng: “Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP”.
Trong 5 năm từ 2004-2008, số văn bản do các cơ quan Trung ương ban hành đã tới 337 do các cơ quan địa phương ban hành đạt “kỷ lục” 930 văn bản. Cả một “rừng” văn bản cùng với hàng loạt các pháp lệnh như Pháp lệnh về VSATTP, Pháp lệnh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, rồi Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch động vật, Pháp lệnh về thú y… vậy tại sao thực phẩm bẩn, rau quả không đảm bảo an toàn sức khỏe vẫn lọt lưới và bày bán tràn lan?
“Tiền mất, tật mang”; Mất tiền rước “họa” vào thân, là một lẽ. Nhưng còn một vấn đề nan giải là bộ máy tổ chức quản lý cồng kềnh, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; ở cấp Trung ương, hiện tại có tới 5 Bộ cùng chịu trách nhiệm trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Trong mỗi Bộ lại có các đầu mối là cục hoặc vụ. Hiện cả nước có tới 128 cơ quan chuyên ngành hoạt động liên quan chất lượng VSATTP. Lắm mối nên rối là phải thôi!
Đan Thanh