“Mất bò mới lo làm chuồng”

ANTĐ - Hàn Quốc hiện đã dừng vô thời hạn kỳ kiểm tra tiếng Hàn để đi xuất khẩu, thậm chí họ sẽ dừng tuyển lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài (EPS). Nguyên nhân do, Việt Nam cùng một số nước có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp, chuyển đổi nơi làm không chính đáng cao và đang gia tăng.

Trong tổng số hơn 60 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại thị trường này thì có gần 9 nghìn người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử.

Đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho biết, hiện Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc đang tăng cường tổ chức các lực lượng để truy quét gắt gao lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Theo đó, chủ sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt tối đa 20 nghìn USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc cấm hoạt động. Lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa 12 tháng. Nếu lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo để đủ tiền nộp và không bao giờ được quay trở làm việc.

Để lấy lại uy tín, giải pháp được ngành LĐ-TB&XH đưa ra là áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động từ các xã/phường có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao; áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; phối hợp tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động sau khi về nước…  Tuy nhiên, hiện nay gần như chỉ tiêu xuất khẩu mà thị trường này dành cho Việt Nam đã hết vì vậy nó chỉ có giá trị cho tương lai nếu tình hình bỏ trốn được cải thiện.

“Thương hiệu” lao động Việt Nam đang bị giảm mạnh bởi tình trạng bỏ trốn. Quyền lợi của những lao động chính đáng ngày càng bị lung lay tại thị trường nước ngoài. Lao động bỏ trốn không phải vấn đề mới, nó được một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản… cảnh báo từ lâu nay nhiều lần. Tuy nhiên, việc xây dựng “thương hiệu” cho nguồn nhân lực dường như phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp có chức năng xem nhẹ, chạy theo số lượng mà không có chiến lược “dài hơi”.  Bởi vậy mới xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.