Lương thấp, giảng viên phải lo dạy thêm, làm nghề “tay trái”

ANTĐ - “Một giảng viên trường cao đẳng ở Đông Mỹ, Thanh Trì quê tôi có thu nhập 2,3 triệu đồng/tháng. Như vậy lương họ làm sao đủ nuôi gia đình?”, GS.TS.VS.NGND Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề lương giảng viên đại học.

Lương thấp, giảng viên phải lo dạy thêm, làm nghề “tay trái” ảnh 1Đảm bảo mức thu nhập mới có thể khiến cho giảng viên trẻ tâm huyết với nghề

Đội ngũ giảng viên còn non nớt

- PV: Có người nói chất lượng giảng viên quyết định chất lượng đào tạo đại học. Ông có đồng tình với ý kiến này?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Chất lượng giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Ngoài ra, phải tính đến chương trình sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, sinh viên, việc thực hành ứng dụng thực tiễn và yêu cầu của các doanh nghiệp, xí nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp…

Đại học chính là tự học dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Thầy giỏi thì sinh viên mở mang trí tuệ, biết cách học, vận dụng thực tế. Ở nhiều nước trên thế giới họ bỏ khái niệm bài giảng đại học “lecture”, “lession” thành nói chuyện với sinh viên “talk to student”.

 - Từng đi thăm, tìm hiểu nền giáo dục của nhiều nước, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng giáo dục đào tạo đại học và giảng viên của họ?

- Năm 2007, tôi có đi thăm một số trường ở các nước như Úc, Pháp… Họ phải hiểu vấn đề quan trọng như thế nào rồi mới nêu nội dung chính của vấn đề, cuối cùng là cách vận dụng nó vào đời sống và sinh viên tự giải quyết được vấn đề đó.

Bản thân cháu tôi học đại học ở Anh mới được 2 tháng nhưng học kỳ này phải mua 5 cuốn sách khoảng 1.500 trang. Trong khi đó, giáo trình tài liệu của chúng ta thì mỏng, thiếu thốn. 

Nói về bằng cấp, ở nước ta, trình độ thạc sỹ mới chỉ có 30%, giáo sư và phó giáo sư khoảng 5%. Một số trường ngoài công lập, tư thục phổ thông có khi chỉ có một tiến sỹ. Trong khi đó, nhiều trường đại học trên thế giới như   Cambridge hay Oxford, phải là tiến sỹ trở lên mới được giảng dạy đại học, thậm chí một trường có 65 người đoạt giải Nobel. Như vậy, có thể thấy đội ngũ giảng dạy của chúng ta còn non nớt.

- Sinh viên ra trường bị doanh nghiệp chê thiếu kỹ năng, tiếng Anh chưa tốt, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng… Vậy trách nhiệm của đội ngũ giảng viên ở đâu, thưa GS?

- Tỷ lệ sinh viên chăm học không cao lắm, có lớp chỉ đạt dưới 10%. Ở đây, bản thân sinh viên phải chủ động rèn luyện, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và phấn đấu. Nhà trường và giảng viên có vai trò rất lớn nhưng chỉ là người dẫn đường chỉ lối, còn chuyện có đi và đến đích hay không là do sinh viên. Tôi thấy ở nước ta chuyện “cầm tay chỉ việc” là một sai lầm lớn. 

Lương giảng viên chưa phù hợp?

- Câu chuyện giảng viên không sống được bằng lương được phản ánh nhiều trên báo chí, song cũng có thông tin nói lương giảng viên cao nhất ở Việt Nam là 1 tỷ đồng/năm, điều này có đúng không, thưa GS?

- Một giảng viên trường cao đẳng ở Đông Mỹ, Thanh Trì quê tôi có thu nhập 2-3 triệu/tháng. Như vậy, lương họ làm sao đủ nuôi bản thân và gia đình. 

Một người bạn của tôi đang là GS rất nổi tiếng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, được áp dụng mức lương hệ số 8,7 nhân với 1.130.000 đồng, chưa kể phụ cấp 3,5 triệu đồng và thâm niên 3,5 triệu đồng nữa. Như vậy, mỗi tháng ông ấy thu nhập khoảng 18 triệu. Vì vậy, có người nói thu nhập của một giảng viên ở Việt Nam cao nhất 1 tỷ đồng/năm là chưa chính xác.

- Một sinh viên được giữ lại trường làm giảng viên thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng, khá thấp so với mức sống hiện nay. Vậy chúng ta giải quyết vấn đề lương bổng như thế nào, thưa GS?

- Những giảng viên đã có thâm niên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì tạm đủ sống, còn những người mới ra trường chỉ được hơn 3 triệu đồng… thì rất thiếu thốn. Ở nhiều nước, lương ngành giáo dục không nằm trong bảng lương hành chính. 

Ở Mỹ, năm 1995, với các GS nổi tiếng, lương của họ là 160 nghìn USD/năm trong khi đó Tổng thống là 220 nghìn USD/năm, Bộ trưởng Ngoại giao là 180 nghìn USD/năm.

- Lương giảng viên không đủ, họ phải đi dạy thêm và làm nghề “tay trái”. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy đại học không thưa ông?

- Tất nhiên ảnh hưởng nhiều lắm chứ! Người ta phải làm việc này việc kia để lo toan cho cuộc sống tối thiểu. Một số người ở ngoại thành về phải trồng rau, nuôi gà hay ở Hà Nội có người còn bán hàng chẳng hạn. Tôi chưa bao giờ lên án chuyện dạy thêm, học thêm vì đó là kiếm tiền bằng chính chuyên môn của người ta. Còn việc quản lý tình trạng đó như thế nào lại là chuyện khác!

Hệ lụy của việc lương thấp, giảng viên làm nghề “tay trái” chính là không ai chịu nghiên cứu khoa học, chỉ lo dạy chỗ nọ, chỗ kia để nuôi sống gia đình. Thế nên giờ người thầy trẻ biết ít quá!

-  Trân trọng cảm ơn GS!