Luôn trăn trở và day dứt
(ANTĐ) - Đã có 40 năm đứng trên sân khấu, ca sĩ Ánh Tuyết là một ngọn lửa âm thầm cháy, tỏa thứ ánh sáng bền bỉ, mãnh liệt để làm ấm mãi dòng nhạc “xưa cũ” trong lòng khán giả. Thời gian đã mang đến nhiều lận đận, vất vả nhưng chị lúc nào cũng tươi trẻ mỗi lần cất cao tiếng hát. Có điều, dường như trong ánh mắt và nụ cười của chị luôn hiện hữu những nỗi niềm nén cho sâu và nhóm tình yêu như than hồng để thổi cho bùng lên ngọn lửa lớn…
Tôi hướng tới một mục đích lớn hơn cả tiền bạc, là được thỏa mãn niềm đam mê của chính mình và giúp các ca sĩ trẻ sau này tiếp nối, gìn giữ những ca khúc âm nhạc truyền thống, là vốn văn hóa quý giá mà nhiều nhạc sĩ lớp trước đã để lại.
Tôi tình nguyện làm người cầm sợi dây để kết nối các thế hệ âm nhạc, tôn vinh những ca khúc nhạc tiền chiến, nhạc truyền thống, cách mạng bằng sự nỗ lực của mình. Nên dẫu hiện tại là một thời điểm hết sức khó khăn về kinh tế, tôi vẫn làm một cú liều đầu năm, cùng các ca sĩ của phòng trà ATB thực hiện một tour xuyên Việt biểu diễn liên tục từ ngày 29-1 (mồng 4 Tết) đến 28-2 qua thành phố: Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn - Nha Trang - Sài Gòn.
Chương trình lưu diễn này tôi cũng không xin tài trợ, nhiều người nói tôi khùng điên, nhưng tôi coi sân khấu là thánh đường, là bàn thờ tổ mà giờ chưng lên đó bao nhiêu logo thì sân khấu chẳng khác nào một cái chợ thương mại, nên tôi muốn được giữ cho sân khấu sự thiêng liêng mà nơi đó cần phải có.
Bản tính con người tôi là thích thách đố bằng những cái tự nhiên để là thước đo cho chính mình. Tôi thích hưởng thụ thước đo thật khán giả dành cho mình, tôi muốn nhìn sự vui sướng thực sự của khán giả khi mua tấm vé của mình, tôi là người liều lĩnh nhưng có tính toán trong cái liều đó.
Chuyến đi này tôi cũng muốn những ca sĩ của ATB được ra ngoài tiếp xúc, chứ quẩn quanh trong phòng trà, phạm vi nhỏ hẹp, họ cũng không phát triển được, dù đi lưu diễn họ phải đối mặt với thực tế có những đêm diễn rất vắng khán giả, bản thân tôi nghĩ người nghệ sĩ phải không bị phân tâm về người xem ngồi dưới thì mới tồn tại lâu trong nghề được.
Tôi đã từng băng qua những chiến hào hát cho chiến sĩ, rồi hát cho những bệnh nhân trong bệnh viện, dù chỉ có rất ít người nghe, nhưng khi đã cầm micro lên, là tôi say hát, đây không phải là sự chai lì trong nghệ thuật, không phải là cái máy hát, mà xác định làm nghề đừng phân tâm với những vẫn đề xung quanh, khi hát là phải say, hát sao cho người xem xúc động, họ thấy được nhiệt huyết và đam mê của người nghệ sĩ thực thụ.
Khán giả ngoài Bắc là những người cảm nhận âm nhạc rất tinh tế, họ nghe rất nhiều thể loại nhạc, nhưng họ tách bạch, họ không bị lẫn lộn nên thường không có những chương trình tạp kỹ như ở TPHCM.
Chuyến đi lưu diễn mở đầu ở Hà Nội của chúng tôi xác định như một chuyến đi du xuân, những ca sĩ với khán giả Hà Nội cũng mới hoàn toàn, tôi muốn mang những gương mặt có thể còn non nớt trên sân khấu, thiếu sự bài bản và chuyên nghiệp, nhưng là những giọng hát đẹp, mang đến những cảm xúc chân thành nhất đến khán giả Hà Nội, và ngược lại với các ca sĩ trẻ, tôi muốn các em tận hưởng tình cảm của khán giả, để say nghề hơn.
Thời gian gần đây có rất nhiều ca sĩ trẻ, trong sự hoang mang để tìm một con đường của riêng mình, đã tìm đến nhạc xưa như một dòng nhạc để thể hiện sự đa dạng trong giọng hát của mình, và điều đó làm tôi rất mừng, vậy là sự đóng góp âm thầm của tôi bấy lâu nay gìn giữ và nâng cao giá trị dòng nhạc xưa phần nào có kết quả, nhạc xưa được biết tới và hát nhiều hơn trong một mặt bằng âm nhạc chung.
Và giá trị của những ca khúc còn mãi với thời gian là không thể phủ nhận. Những gì còn lại qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian chính là những giá trị bền vững nhất. Là người lội ngược dòng có thể tôi sẽ không thành công, bởi người đi tiên phong bao giờ cũng là người gặp nhiều thiệt thòi, nhưng tôi nguyện làm tấm lót đường cho thành công của những người đi sau, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của những bài hát từng một thời vang bóng.
Tôi yêu sự hồn nhiên, chân thật của những ca sĩ của ATB, tôi yêu tình người ấm nóng mà tôi tạo được tại ATB, và lúc này đây, dù phải lo lắng rất nhiều vì kinh phí, nhưng tôi vẫn thấy mình thật hạnh phúc.
Hình ảnh người làm nghệ thuật hiện nay tôi rất buồn, nhiều người gọi sự thay đổi liên tục là làm mới, làm mới phải nghệ thuật. Nếu bạn là một người nghệ sĩ thì không được phép bừa bãi, bởi nghệ thuật của một con người là nghệ sĩ không chỉ cho cá nhân anh ta mà còn đại diện cho cả đất nước đó.
Âm nhạc Việt Nam cũng vậy, bạn hát một bài hát Việt Nam, làm sao cho người ta thấy được, âm nhạc đúng là Việt Nam, còn nếu bạn là người Việt Nam mà bạn không hãnh diện về mình, vậy bạn chỉ là cái người để đem đi chưng dụng buôn bán thôi, bạn không đại diện cho cái gì được.
Làm nghệ thuật bạn phải hiểu sâu một điều, văn hóa trong nghệ thuật, hiện nay đang thiếu điều đó, đúng là nhiều khi tôi rất trăn trở và day dứt, tôi nhớ ở thời của tôi, trang phục của nghệ sĩ nam và nghệ sĩ nữ luôn có sự phân cách rất rạch ròi. Thế nhưng bây giờ, khoảng cách ấy như đang bị thu hẹp lại, rất nhiều ca sĩ “bán nam bán nữ”.
Công nhận là làm nghệ thuật thì cần người tài, hình ảnh cũng cần thiết, nhưng có nhiều người lợi dụng văn hóa sân khấu, ăn mặc quá lưỡng tính, lên sân khấu con trai thành con gái luôn, điều này tai hại cực kỳ, tôi lo sợ lớp trẻ mới lớn lên sẽ bị ảnh hưởng. Hình ảnh một người nghệ sĩ thực thụ ở ta còn thiếu quá...
Nghệ thuật vốn đẹp, và thường đi chung với cảm xúc vì vậy hãy dung dưỡng một tâm hồn đẹp và luôn hát từ chính cái tâm của mình. Nói như vậy không có nghĩa là tôi mất niềm tin vào lớp ca sỹ trẻ hôm nay. Tôi vẫn luôn hy vọng họ sẽ phát triển xa hơn thế hệ đi trước và mong sao âm nhạc nước nhà có nhiều cơ hội giao lưu bình đẳng với các nước trên thế giới….
Hà My (ghi)