Lùi để tiến vững chắc

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi Chính phủ đề nghị lùi thời gian thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm so với lộ trình được đưa ra tại Nghị quyết 88 của Quốc hội và đã được Chính phủ đồng ý. 

Điều này khiến dư luận xã hội, nhất là giới chuyên gia giáo dục và những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà dường như thở phào nhẹ nhõm, bởi lùi được tiến độ 1 năm thì công việc chuẩn bị cho chương trình này sẽ chắc chắn hơn, đặc biệt là khâu then chốt chuẩn bị đội ngũ giáo viên, lực lượng quyết định sự thành bại của chương trình.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không giống như các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội với những chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư... Giáo dục phổ thông được coi là nền móng vững chắc để xây dựng “tòa nhà” giáo dục quốc gia mà đã được xác định “giáo dục là quốc sách”.

Mấy chục năm qua, nền móng này chưa đủ độ sâu, vững bền, nếu không muốn nói là đã bộc lộ những sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng. Càng chồng chất lên tầng cao đại học, cao đẳng, “tòa nhà” càng chông chênh, nghiêng ngả. Chính vì thế, việc “đổ móng” mới tức là Chương trình giáo dục THCS, THPT cần có thời gian để chuẩn bị thật kỹ, không thể nóng vội bởi “dục tốc bất đạt”.

Bản thân Tổng chủ biên, kiến trúc sư của chương trình này cũng thừa nhận, nếu giãn thời gian 1 năm thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cải thiện cơ sở vật chất giáo dục sẽ tốt hơn. Hơn thế, đây cũng là điều kiện để rộng đường dư luận, có thêm nhiều ý kiến đóng góp. Điều đáng quan tâm của công luận hiện nay là gì?

Đó là động lực đổi mới trong mỗi giáo viên, những người “thợ cả” cho “ra lò” những thế hệ trực tiếp xây dựng tương lai. Thách thức lớn nhất là thầy cô phải thay đổi hoàn toàn phương pháp giảng dạy đã bị mài mòn, từ truyền thụ kiến thức một cách máy móc, khô cứng, sang khơi dậy khả năng tự tìm hiểu bài giảng, phát huy trí sáng tạo cũng như phản biện. Học sinh phải được đặt ở vị trí trung tâm, đối tượng của giáo dục.

Trước mắt ngành giáo dục còn ngổn ngang nhiều việc phải làm ngay như lớp học quá tải, nhiều nơi học sinh tiểu học chỉ được học 1 buổi 1 ngày. Rào cản lớn nhất là hầu hết giáo viên chưa chuẩn bị tâm thế cũng như “hành trang” để bước vào hành trình gian nan này. Các thầy cô sẽ xoay xở ra sao khi chỉ được đào tạo đơn môn, nhưng 1 năm tới phải dạy tích hợp liên môn, lồng ghép? Lùi một bước để tiến vững chắc, song thực ra khoảng thời gian 1 năm xem ra vẫn chưa đủ.