Lực lượng cứu hộ, cứu nạn: Tàu chìm 1 năm không thể trục vớt

ANTĐ - Đã hơn 1 năm xảy ra vụ đắm tàu trên sông Đuống làm 3 người chết, chiếc tàu chở cát gặp nạn số hiệu NĐ 2236 vẫn “ngủ” dưới lòng sông, vì không có phương tiện, thiết bị trục vớt. Nói dại, không may vụ chìm tàu Dìn Ký thứ 2 xảy ra trên các tuyến sông Hà Nội, mất mát lớn là điều khó tránh.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn: Tàu chìm 1 năm không thể trục vớt  ảnh 1
Tại miền Bắc, TP Hải Phòng đã có tàu chữa cháy trên sông

Tàu 100 tấn “ngủ” dưới lòng sông
Đã hơn 1 năm trôi qua, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy - CATP Hà Nội, vẫn nhớ diễn biến, quá trình cứu hộ cứu nạn (CHCN) vụ chìm tàu thảm khốc nhất từ ngày đơn vị được thành lập (năm 2009) đến nay. Vụ tai nạn xảy ra đêm 17-8-2010, tại Km 8+700 phía bờ phải sông Đuống, thuộc địa phận phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội). Khi đó, chiếc tàu chở cát số hiệu NĐ 2236, trọng tải trên 100 tấn, trên tàu có 4 người gồm: chị Trần Thị Ngân (SN 1984), cháu Trần Thị Khánh Ly (SN 2007) và anh Hoàng Quang Cửu (SN 1975) - là thuyền viên, do anh Trần Trung Dũng (SN 1981), ở huyện Xuân Trường, Nam Định, làm thuyền trưởng điều khiển tàu từ hướng Phú Thọ, xuôi về Hưng Yên. Đến khu vực cầu Đuống, do dòng nước dữ dâng cao, chảy xiết, cộng với sương mù dày đặc gây hạn chế tầm nhìn, lái tàu đã đâm vào trụ cầu Đuống. Cú va chạm đã hất anh Cửu đang đứng ở mũi tàu xuống sông. Tàu sau đó bị lật nghiêng, chìm dần. Ba nạn nhân xấu số trong boong tàu không kịp thoát. Ngay khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng Quản lý đường sông đến tính toán lưu tốc dòng nước, thuê ngư dân lặn tìm, xác định vị trí tàu gặp nạn để tổ chức trục vớt, cứu các nạn nhân. Nhưng vì không có phương tiện trọng tải lớn, lực lượng CSGT đường thủy, Quản lý đường sông… không thể CHCN kịp thời. Nhận định khả năng khoang lái, nơi nạn nhân ngủ cửa có thể mở, tàu chìm sẽ cuộn nước xoáy, đẩy nạn nhân ra ngoài. Vậy nên bên cạnh việc tính toán phá nóc tàu cứu nạn nhân mắc kẹt, lực lượng CSGT đường thủy còn sử dụng xuồng tuần tra ở khu vực hạ lưu, tìm kiếm xác nạn nhân. Bảy ngày sau vụ chìm tàu, lực lượng công an mới tìm thấy nạn nhân cuối cùng, trong đó xác cháu Khánh Ly đã trôi đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cách vị trí tàu chìm khoảng 200km. Đến thời điểm này, tàu chở cát số hiệu NĐ 2236 vẫn nằm dưới lòng sông Đuống, do lực lượng chức năng không có phương tiện, thiết bị trục vớt chuyên dùng. Bài học vụ chìm tàu Dìn Ký Với hơn 220km đường sông chảy qua địa phận Thủ đô, trung bình mỗi ngày trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, có hàng trăm lượt tàu thuyền trọng tải lớn chở hàng, chủ yếu là tàu chở cát, sỏi qua lại. Đó là chưa kể đến một lượng lớn thuyền chở khách du lịch trên sông Hồng. Với mạng lưới sông ngòi, lưu lượng phương tiện tham gia dày đặc như vậy, khó có thể tin rằng, lực lượng chức năng Hà Nội chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị CHCN. Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho biết: Nếu không may TNGT đường thủy xảy ra, tàu chìm, chủ tàu chỉ có cách tự liên hệ với các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ trục vớt, vì họ có phà, cần cẩu trọng tải lớn và phương tiện CHCN. Tuy nhiên, do trục vớt không có sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan công an, nên dấu vết hiện trường gần như bị xóa hết, gây khó khăn trong quá trình điều tra, kết luận nguyên nhân các vụ tai nạn. Không có lực lượng CHCN chuyên nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân “thả phanh” hoành hành, cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ huy Phòng CSGT đường thủy cho biết: Số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trục vớt “bí mật” phân chia địa bàn hoạt động, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của các chủ tàu, gây mất ANTT địa bàn. Mánh khóe của số doanh nghiệp này là lén lút điều chỉnh phao tiêu, biển báo trên sông, “điều” các phương tiện đi vào nơi mắc cạn. Săn được “mồi”, các doanh nghiệp tìm đến thỏa thuận với chủ tàu, ép trục vớt với giá cao. Để ngăn chặn tình trạng này, Phòng CSGT đường thủy đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện những vụ TNGT đường thủy, yêu cầu số doanh nghiệp này chỉ trục vớt phương tiện đắm khi có sự giám sát, điều hành của lực lượng công an, đảm bảo các thủ tục pháp lý.    Sự việc tàu cát số hiệu NĐ 2236 “ngủ đông” dưới đáy sông, cho thấy những hạn chế, yếu kém trong CHCN TNGT đường thủy ở Hà Nội. Nó tương phản, đối lập hoàn toàn với công tác CHCN vụ chìm tàu Dìn Ký xảy ra tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách đây nửa năm, mà Sở Cảnh sát PCCC và CHCN TP Hồ Chí Minh đảm nhận. Khi ấy, nhận được yêu cầu chi viện từ Công an tỉnh Bình Dương, Sở Cảnh sát PCCC và CHCN - TP Hồ Chí Minh, đã điều động 4 xe cứu nạn, cùng 30 CBCS đến hiện trường ứng cứu. Chỉ sau 19 giờ xảy ra vụ việc, lực lượng CHCN đà mò tìm được 15/16 nạn nhân mắc kẹt. Nạn nhân cuối cùng được giải cứu sau đó 2 ngày, khi lực lượng công an trục vớt được con tàu lên khỏi mặt nước. Nói dại, không may vụ chìm tàu Dìn Ký thứ 2 xảy ra trên các tuyến sông Hà Nội, không có phương tiện, thiết bị chuyên dùng, không có lực lượng CHCN chuyên nghiệp, mất mát lớn là điều khó tránh.