Luật nhân - quả và những quy tắc dành cho người đi lễ chùa

ANTD.VN - Vẫn còn nhiều người đi lễ chùa chưa biết cách sử dụng phục trang như thế nào để không gây phản cảm; băn khoăn khi thắp hương nên cầu những gì và cầu bao nhiêu là đủ? Họ chưa biết phải làm sao để tu thân, tích đức, nhận quả báo tốt đẹp và loại bỏ mê tín dị đoan... Hãy nghe các tăng, ni phân tích những vấn đề này theo quan điểm của Phật giáo.

Lạm dụng đốt vàng, đốt mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường

Quy luật nhân - quả

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Có thể chia những người đi chùa thành 2 nhóm. Một là để hưởng thụ đời sống tâm linh. Hai là đến chùa để nghiên cứu, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình. Chùa là nơi tôn nghiêm nên người ta dù đến chùa với mục đích nào cũng phải tôn kính”.

Đầu tiên, người đi đến chùa áo quần phải tươm tất. Thượng tọa Thích Minh Nhẫn nhận xét: “Trong xã hội mới, dĩ nhiên quần áo nhiều thứ, nhiều loại, nhiều kiểu cách. Tôi không nói sự đa dạng trang phục đó làm mất đi sự tôn nghiêm. Nhưng ít ra, người đến chùa ăn mặc phải kín đáo tránh gây phản cảm, đây là điều cần thiết và thể hiện sự tôn nghiêm của chính họ”.

Theo Đại đức Thích Trí Huệ, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Người đi đến chùa cầu mong thực ra cũng chính đáng, ai cũng hướng tới những điều tốt đẹp. Họ cầu cho được bình an, sức khỏe, cầu cho con cháu học giỏi. Ai nghĩ người cầu nguyện nhiều xuất phát từ lòng tham cũng không đúng. Tâm lý chung ai cũng muốn bình an cả, không nên ghép tội họ tham muốn quá nhiều”.

Tham là để thỏa dục, để thỏa lòng ham muốn. Tham có hai loại: Một là cái tham chính đáng và tham không chính đáng. Tham không chính đáng là ác. Còn điều muốn chính đáng là định hướng. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ sau khi cầu, Đức Phật sẽ có thần lực trợ giúp người ta. Đức Phật dạy có nhân mới có quả. Nếu cầu mà không gieo nhân thì đó cũng chỉ là định hướng.

Người cầu nguyện hướng những điều tốt đẹp cho bản thân, những người xung quanh họ thì cầu đó không có gì sai. Song, họ cần hiểu lời cầu nguyện đó để mang tính rõ ràng định hướng cho bản thân tập trung nỗ lực phát triển chứ không phải cầu gì là Phật cho cái nấy. Đức Phật như một người thầy dẫn đường chỉ dạy và Ngài không có sẵn một kho tàng để người cầu được hưởng. Hưởng là quả báo, quả báo không có nhân thì không phải giáo lý của Phật lập trên quá trình nhân quả. Họ chăm chỉ làm thì mới có quả, không làm thì không thể có được.

Nếu người không biết đường làm thì phải: “Cầu Phật gia hộ cho con gặp bậc thiện tri thức, gặp vị nào đó biết rõ những vấn đề này... để dạy cho con cách thức tu hành để tu hành đúng chánh pháp...”. Trong bối cảnh hiện đại, quan niệm về người thầy đã rộng hơn xưa. “Thầy” cũng không chỉ là người chỉ dạy, “thầy” còn là nhiều phương tiện khác nhau, sách là thầy bởi có câu “ai đọc sách là đứng trên chân người khổng lồ”, Internet, các lớp học, băng đĩa giảng là “thầy”... Quan trọng nhất, mỗi người cần biết chắt lọc thông tin đó nếu không sẽ “hút vào cả đen cả trắng”.

Niềm tin bừa có thể gọi là mê tín 

Xuất phát từ việc không hiểu quy luật nhân quả, nhiều người trở nên mê tín dị đoan. Họ cho rằng cầu cúng là được như ý nguyện: đối với người sống được an vui hạnh phúc, đối với người chết được siêu thoát. Có những người giàu lên nhờ làm ăn bất nhân, thất đức lại đem tiền của bất chính ra lập đàn cầu cúng nhằm mong thoát tội, hoặc chết khỏi bị đọa địa ngục. 

Nói thêm về những trường hợp mê tín dị đoan, Thượng tọa Thích Văn Phong, đại diện Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Cần phải làm công tác tư tưởng cho người dân để họ có nhận thức tốt, tránh mê tín dị đoan. Điều đơn giản cần khắc phục ngay là bát hương. Tiếp đó là tục lệ đốt vàng, đốt mã”. Bởi nhiều người quan niệm bát hương không được rút chân hương, một năm chỉ được rút chân hương một lần sau khi đưa Ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch) và sau khi nén hương cháy hết còn lại tàn hương cong cong mới thiêng và có lộc.

Vì thế, những nhà sản xuất hương đã nghiên cứu ra loại hóa chất làm sao đáp ứng thị hiếu, sở thích của người dân. Hương này thắp lên, mọi người hít khói, tro rớt xuống thức ăn và sức khỏe bị ảnh hưởng. Thượng tọa Thích Văn Phong khẳng định: “Nếu người dân theo tín ngưỡng mà không khoa học thì mất tác dụng, vì nó không đem sự lợi lạc mà sinh bệnh tật”.

Tiếp theo, tục lệ đốt vàng, đốt mã khiến Thượng tọa Thích Văn Phong quan ngại, đốt vàng mã xuất phát từ tín ngưỡng dân gian không phải của Phật giáo. Người dân đốt vàng mã nhiều gây lãng phí, gia tăng ô nhiễm môi trường. “Tất cả những niềm tin phải qua túi lọc của tư duy và cán cân nhân - quả. Niềm tin bừa có thể gọi là mê tín”, Thượng tọa Thích Văn Phong nói.                         

Vì vậy, dù là phật tử hay không là phật tử, mỗi người đều cần hướng tới điều thiện là cái đức. Đức là làm lợi ích cho mọi người, muôn loài vạn vật. Cái đức chính là cái đẹp của con người: Ý đức là khởi lên tâm giúp đỡ; khẩu đức là những lời nói giúp đỡ; thân đức là những việc làm giúp đỡ. Tích đức là ở đó. Nếu thân, ý, khẩu mà làm người khác đau khổ là tổn đức.

“Có thể chia những người đi chùa thành 2 nhóm. Một là để hưởng thụ đời sống tâm linh. Hai là đến chùa để nghiên cứu, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình. Chùa là nơi tôn nghiêm nên người ta dù đến chùa với mục đích nào cũng phải tôn kính”.

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn (Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam)