“Lú lẫn” từ tuổi 45

ANTĐ - Các nhà khoa học Anh vừa có kết quả nghiên cứu rất đáng chú ý liên quan tới tuổi thọ con người khi phát hiện bộ não con người bắt đầu lão hoá từ năm 45 tuổi, sớm hơn khá nhiều so với suy nghĩ trước đây là 60 tuổi.

Quá trình lão hóa của một người theo mô phỏng

Tạp chí Y học Anh (British Medical Journal) số ra ngày 13-1 đã công bố kết luận mới nhất của một công trình nghiên cứu cho biết, đầu óc con người bắt đầu có hiện tượng “lú lẫn” ở tuổi 45. Trong khi đó, trước đây  giới y học thế giới cùng có chung nhìn nhận rằng bộ não của con người bắt đầu lão hoá từ khi 60 tuổi.

Ai cũng biết rằng càng lớn tuổi thì những khả năng của trí nhớ càng kém dần nhưng cho tới nay vẫn chưa ai xác định một cách tương đối chính xác là kể từ khi nào thì bộ não của con người bắt đầu “có vấn đề”. Ngoài đánh giá chung, còn thiên về cảm tính, là con người vẫn minh mẫn đến năm 60 tuổi cũng chưa có nghiên cứu hay điều tra chuyên sâu về vấn đề này.

Đó cũng là những lý do để nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện quốc gia y tế và nghiên cứu y khoa (Inserm) của Pháp và Đại học University College London của Anh, do Giáo sư Archana Singh-Manoux làm trưởng nhóm, đã tiến hành nghiên cứu kỹ về vấn đề lão hoá của con người. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức lấy dữ liệu y khoa của 5.198 nam giới và 2.192 phụ nữ, độ tuổi từ 45-70, và kiểm tra chức năng của não những người này 3 lần trong suốt thời gian 10 năm, từ năm 1997.

Các cuộc trắc nghiệm từng cá nhân cũng giúp thẩm định trí nhớ, từ vựng, cách lập luận và sự suôn sẻ trong những câu nói của những người được nghiên cứu. Trong số các trắc nghiệm, chẳng hạn nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tham gia nghiên cứu, trong vòng bao nhiêu phút, kể những loài chim có tên bắt đầu bằng chữ S.

Kết quả cho thấy là những khả năng của bộ não (ngoài trắc nghiệm về từ vựng) suy giảm dần theo thời gian và càng lớn tuổi thì suy giảm càng nhanh. Công trình nghiên cứu còn làm nổi rõ một điều là sự suy giảm của bộ não ở đàn ông diễn ra nhanh hơn phụ nữ, nhưng các nhà khoa học chưa giải thích vì sao có sự khác biệt kỳ lạ này.

Theo lời Giáo sư Singh-Manoux, việc xác định “tuổi về hưu” của bộ não - tuổi mà bộ não bắt đầu suy giảm là rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng làm việc cũng như tuổi thọ của con người. Bởi việc chữa trị những căn bệnh liên quan tới việc lão hoá của con người sẽ có hiệu quả hơn nếu được thực hiện ngay từ đầu quá trình lão hóa của bộ não.

Vào lúc mà tuổi thọ của con người tiếp tục tăng và điều này có những tác động quan trọng đến thành phần dân số, hiểu được sự suy thoái của bộ não cùng với tuổi tác là một trong những thách đố của thế kỷ 21. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện quốc gia y tế và nghiên cứu y khoa Pháp và Đại học University College London có thể giúp cải thiện đáng kể việc điều trị bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) ở những bệnh nhân mà độ tuổi chưa phải là cao.

Các tác giả công trình nghiên cứu cũng dẫn lại những nghiên cứu khác để khuyến cáo rằng, một người có hệ tim mạch tốt thì sẽ ít có nguy cơ bị Alzheimer hơn. Có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, thường xuyên đọc sách hoặc chơi các trò tập luyện cân não sẽ giúp đầu óc ta được minh mẫn lâu hơn - nhóm nghiên cứu đưa ra lời khuyên.