- Câu bác hỏi thật khó trả lời. Nhưng nói chung, khi bầu ai vào bộ máy công quyền, nhân dân đều rất tin tưởng những “công bộc” mà họ lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, nhiều cán bộ thoái hóa khiến người dân ngày càng thất vọng, không trông chờ được gì nữa.
- Tôi lại thấy, dù trong hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp vẫn luôn “trung thành, giúp đỡ” chính quyền. Như ở Ninh Bình vừa rồi, có một doanh nghiệp chuyên về xây dựng và thương mại đã khẩn khoản tặng UBND tỉnh này 3 chiếc siêu xe, trị giá 6,6 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp ăn nên làm ra cảm ơn tí chút lợi nhuận thì cũng là chuyện bình thường. Sống là phải có trước có sau như thế mới bền.
- Có điều khó hiểu là doanh nghiệp này mới được thành lập có hơn 1 tháng, số vốn hoạt động đâu có hơn tỷ đồng.
- Lạ nhỉ, không có tiền và cũng chưa làm ăn được gì mà sao chơi sang thế?
- Đây cũng là câu hỏi khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.
- Thế chính quyền địa phương đã có ý kiến gì về chuyện này?
- Lúc đầu, tỉnh ra công văn yêu cầu hợp thức hóa số phương tiện trên thành xe công, sau lại hủy và trả lại xe cho doanh nghiệp.
- Nghe bác nói thế là tôi hiểu động cơ của doanh nghiệp. Chính quyền nơi đây cũng thế, không “xơi” được nên phải “nhả” thôi. Ở đâu cũng thế, doanh nghiệp và chính quyền phải có khoảng cách nhất định, tôn trọng công khai, minh bạch thì sẽ phát triển bền vững. Còn một khi họ cấu kết với nhau thì ắt có điều bất minh, dân sẽ khổ, đất nước sẽ nghèo mãi.