“Lội ngược dòng” về Trường Sơn huyền thoại

(ANTĐ) -Đường Trường Sơn - cái tên đã gắn với biết bao chiến tích diệu kỳ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi lưu giữ những trang sử bi hùng và làm nên những con người huyền thoại đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… sẽ được làm “sống” lại trong loạt phim ký sự đặc biệt “Hành trình huyền thoại” vừa lên sóng VTV1 tập đầu tiên vào tối qua 30-3.

“Lội ngược dòng” về Trường Sơn huyền thoại

(ANTĐ) -Đường Trường Sơn - cái tên đã gắn với biết bao chiến tích diệu kỳ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi lưu giữ những trang sử bi hùng và làm nên những con người huyền thoại đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… sẽ được làm “sống” lại trong loạt phim ký sự đặc biệt “Hành trình huyền thoại” vừa lên sóng VTV1 tập đầu tiên vào tối qua 30-3.

Hang Tám Cô sẽ được “giải mã” trong bộ phim “Hành trình huyền thoại”
Hang Tám Cô sẽ được “giải mã” trong bộ phim “Hành trình huyền thoại”

100 phút huyền thoại…

Để có được 23 chương trình phóng sự đồng hành (5 phút/chương trình) được phát sóng dưới dạng truyền hình thực tế, những người trong đoàn làm phim ký sự “Hành trình huyền thoại” đã có cuộc trở lại với con đường Trường Sơn năm xưa, đặt chân đến những địa danh, chứng tích còn sót lại của chiến tranh và gặp gỡ với những nhân chứng “sống” của lịch sử.

Chuyến “lội ngược dòng” lịch sử với đích đến 50 năm về trước bắt đầu từ Bảo tàng đường Trường Sơn huyền thoại đến huyện Lộc Ninh (Bình Phước) - nơi tập kết kho xăng và hội tụ các đội quân tiến về giải phóng miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cuộc hành trình tuy kéo dài chưa đầy một tháng và làm đến đâu, phát sóng đến đó song nói như lời của đạo diễn Hồng Phúc - Đài Truyền hình Việt Nam là “đã giúp mọi người trong đoàn nối dài thêm những suy nghĩ, sự cảm kích và tấm lòng tri ân với những con người từng làm nên một con đường huyền thoại”.

Tại mỗi đoạn đường đi qua, mỗi địa danh dừng lại, cuộc hành trình sẽ giúp người xem hình dung được Trường Sơn nay còn lại gì, cảnh vật và con người đã thay da đổi thịt ra sao sau hơn 30 năm thống nhất đất nước. Những hồi ức chiến tranh không chỉ hiện lên qua lời kể của các tướng lĩnh cấp cao, các phóng viên chiến trường, các cựu chiến binh ở hai đầu chiến tuyến mà còn trong ký ức của những người dân bình thường.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, người trực tiếp tham gia cố vấn nội dung chương trình cho biết sẽ có nhiều cách để tái dựng chương trình, song tất cả đều phải bám sát chủ đề lịch sử  theo đúng nguyên tắc “chỉ được sót, không được phép sai”.

Những chuyện ít biết…

Làm nên dòng chảy của câu chuyện kể lịch sử ấy có cả những thước phim tư liệu quý giá chưa từng được công bố hoặc ít người biết đến. Đó là câu chuyện về cuộc sống gia đình của người anh hùng được mệnh danh “vua phá bom” Vương Đình Nhỏ; là chuyện tìm ra chính xác nữ thanh niên xung phong Trần Thị Hường trong tiểu đội 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc như thế nào khi tại khu vực đó có tới hai ba người trùng tên Hường; là chuyện về những bộ đội giao liên từng dẫn cả đoàn quân chui qua cống ngầm ở đường 9…

Đó còn là câu chuyện về trạm thông tin của Bộ Tư lệnh Thông tin A69 mới được phát hiện tại hang Lèn Hà (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) nằm chênh vênh trên sườn một núi đá vôi. Nơi đây đã tiếp sức cho con đường Trường Sơn thông suốt liên lạc, cũng nơi đây đã có hơn 10 chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại trong chiến tranh. “Chúng tôi đã đến và không chỉ được tận mắt thấy chứng tích hào hùng ấy mà còn gặp được người dân sơ tán thời kỳ đó, được nghe họ kể lại rất cảm động về sự hy sinh của các chiến sỹ thông tin bấy giờ” - Thiếu tướng Phan Khắc Hải chia sẻ.

Những thước phim cũng sẽ “giải mã” sự tích của địa danh hang Tám Cô nằm trên trục đường 20 Quyết thắng nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn mà có lẽ ít người biết đến. Theo đó, người dân địa phương quen gọi hang này là hang Tám Cô để tưởng niệm 8 thanh niên xung phong đã hy sinh thời đó, song thực ra ở đó chỉ có 4 người ngã xuống là nữ, còn lại 4 người là bộ đội công binh, pháo binh…

Hay như câu chuyện xúc động về 7 thanh niên xung phong trên đường 12A đi Cha Lo bị bom đánh và lấp vùi trong đất. Khi ấy chính những  người trong tiểu đội 37 nơi họ tham gia chiến đấu đã phải đấu tranh tư tưởng khốc liệt giữa việc nên đào xác đồng đội mình lên chôn cất hay cứ tạm thời để họ nằm dưới để xe chở hàng cứu viện vào miền Nam nhanh chóng đi qua... Xúc động hơn khi biết chiến tranh đi qua, chỗ họ nằm xuống ngày nay cũng chỉ còn lại những nấm mồ bên đường, song ai đi ngang qua đây cũng dừng lại thắp nén nhang tri ân tưởng nhớ… 

Đặc biệt, khi thực hiện được chuỗi ký sự tư liệu này, đoàn làm phim cũng đã sang tận nước bạn Lào, gặp gỡ các chiến sỹ và người dân Lào năm xưa từng chung tay góp sức trong cuộc chiến đẩy lùi quân xâm lược, vẹn toàn lãnh thổ ba nước Đông Dương. Đến giờ những đoạn đường Trường Sơn đi qua Lào năm xưa, nhân dân Lào vẫn còn giữ và rào lại nguyên vẹn như thể hiện sự trân trọng với những hy sinh xương máu thầm lặng của bộ đội Việt Nam.

Cầu truyền hình đặc biệt

Đó là cầu truyền hình trực tiếp diễn ra vào 20h tối 25-4-2009 tại hang Tám Cô (Quảng Bình) khép lại cuộc hành trình một tháng xẻ dọc dãy Trường Sơn tới điểm chốt cuối cùng ở Lộc Ninh (Bình Phước). Hang Tám Cô nằm cách xa trung tâm thành phố Đồng Hới hơn 60km, song đây lại là một trong những nơi trọng điểm của cuộc chiến đấu trên đường Trường Sơn xưa, nơi chứng kiến nhiều chiến tích và cũng lọt vào mũi tấn công hàng đầu của địch.

Theo kịch bản chương trình, đêm cầu truyền hình sẽ tái dựng lại bối cảnh không khí chiến trường và chiến đấu năm xưa với những người lính khoác áo xanh, những chiếc xe tải hàng vượt bom rơi lửa đạn, những trạm giao liên, nhà kho… 150 phút chương trình sẽ là cuộc hội ngộ của những nhân chứng lịch sử tiêu biểu đại diện cho từng thời kỳ lịch sử.

Trong đó có cả những người từng được làm “lễ truy điệu sống” trước khi lên đường làm nhiệm vụ phá bom từ trường song vẫn may mắn còn sống sót đến ngày hôm nay, có những cặp vợ chồng yêu nhau, cưới nhau và sinh con đẻ cái trên chính con đường huyền thoại này… và cả những cán bộ chiến sỹ Lào từng sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn cùng quân và dân Việt Nam.

Theo đại diện Đài Truyền hình Việt Nam thì đây sẽ là một chương trình xứng tầm và được đầu tư kỹ lưỡng về trí tuệ, nghệ thuật bởi lẽ đó là cuộc hành trình tìm lại những con đường, những bài hát, những con người đã làm nên huyền thoại…

Bích Hậu