Lời ăn, lỗ phải chịu

ANTĐ - Báo cáo tổng hợp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy, tổng số nợ phải thu đã chạm ngưỡng 300.000 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi là 10.329 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng mức đầu tư tài chính ngắn và dài hạn của các “ông lớn” này không hề giảm. Ngược lại, đầu tư ngắn hạn tăng  43,3% và đầu tư dài hạn trong năm 2013 tăng 22,4% so với năm 2012. Đáng chú ý, hoạt động của nhiều doanh nghiệp Nhà nước không sáng sủa lên khi nợ chéo, nợ dây dưa kéo dài nhiều năm.

Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ phải thu bị xếp vào diện khó đòi, nguy cơ mất vốn ở mức cao nhất từ trước tới nay. Đứng đầu danh sách này là một loạt tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Hóa chất, Cao su, Dệt may… cùng với các tổng công ty như Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Lương thực. Mặc dù được hưởng khá nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước, nhiều tổng công ty đã không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, thậm chí còn bị âm vốn do kinh doanh thua lỗ nặng.

Theo Bộ Tài chính, chỉ tính trong năm 2013, tại 13 tập đoàn, tổng công ty làm ăn bê bết nhất, số tiền vốn Nhà nước bị “rơi rụng” lên tới hơn 7.525 tỷ đồng. Vì sao tình trạng chiếm dụng vốn, nợ dây dưa giữa các tập đoàn, tổng công ty diễn ra khá phổ biến và kéo dài? Bản thân lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thừa nhận: Đằng nào thì cũng cùng nguồn vốn Nhà nước... Vì thế, sự chây ỳ thanh toán đã khiến nhiều tổng công ty trở thành chủ nợ của những “con nợ” khó đòi. Lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty đau đầu vì nạn nợ dây dưa song cũng đành bó tay vì luôn vướng phải ý kiến “chỉ đạo” của cơ quan chủ quản.

Vấn đề mấu chốt nhất đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước chính là sự minh bạch thông tin hoạt động. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh như vậy và cho rằng, tách bạch chức năng quyền sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý là biện pháp tốt nhất để tránh hệ lụy nợ chéo, nợ dây dưa, nợ xấu. Câu hỏi lớn “nợ khó đòi, ai trả” chưa thể có câu trả lời chừng nào các doanh nghiệp Nhà nước vẫn không hoạt động theo cơ chế lời ăn, lỗ phải chịu như các thành phần kinh tế khác.