Lời ăn, lỗ dân chịu

ANTĐ - Hiếm khi nào, cộng đồng doanh nghiệp lại rơi vào tình cảnh như hiện nay. Hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, sản xuất đình đốn và tồn kho. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bị Thanh tra Chính phủ “sờ gáy”, đã lộ ra hàng đống nợ nần nhiều nghìn tỷ đồng, trong khi vấn đề tái cấu trúc vẫn chưa đâu vào đâu.

Theo số liệu tổng kết, trong 10 năm (2001-2010), đã thực hiện cổ phần hóa được 3.378 doanh nghiệp, trong đó có tới 58,2% là doanh nghiệp địa phương. Riêng các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty 91 chỉ cổ phần hóa được 11,5%. Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận, Nhà nước vẫn nắm tỷ trọng lớn vốn điều lệ ở nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối. Có lẽ vì quá sốt ruột trước tiến độ ì ạch cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã đưa ra con số rất ấn tượng: trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ có 93 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được cổ phần hóa.

Nên nhớ, trong 4 năm (2008-2011) chỉ có 117 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa. Thực tế cho thấy việc chạy theo số lượng là quá chậm chạp, trong khi chất lượng cổ phần hóa lại gây ra không ít hệ lụy. Đương nhiên, cổ phần hóa đang chịu sức ép rất lớn của tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Điều đó không có nghĩa là càng cổ phần hóa nhiều thì càng tốt, nhất là trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp “chết hàng loạt”. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 26.324 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 69,6% số doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính gây ra phá sản, giải thể là do thua lỗ; 28,2% do thiếu vốn; 14,7% do không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% do địa điểm sản xuất kinh doanh khó khăn và 4,6% phải đóng cửa để chuyển đổi ngành hoặc sáp nhập. Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp về vốn, song không ào ạt bơm tiền ra thị trường. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này, Bộ Tài chính vừa công bố những con số “đáng sửng sốt”. Dư nợ ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước vào khoảng 415.000 tỷ đồng, trong đó riêng 12 tập đoàn kinh tế vay nợ khoảng 218,7 nghìn tỷ đồng. “Con nợ” lớn nhất là Tập đoàn dầu khí Việt Nam với 72.300 tỷ đồng, Tập đoàn điện lực 62,800 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 tập đoàn tổng công ty có tỷ lệ nợ trên mười lần. Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cách thức tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước giúp các công ty con, cháu tránh được nguy cơ phá sản. Nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” không còn hiệu lực với các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thành viên, thay vào đó là tập quán ngày càng rõ nét “lời ăn, lỗ dân chịu”.