Loạn giá kít xét nghiệm Covid-19, vai trò "tư lệnh" của Bộ Y tế ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Bộ Y tế cho biết không định giá mà mỗi địa phương tự thực hiện, nhưng mình là "Tư lệnh", là cơ quan điều hành phải có chỉ đạo, không thể để như vậy được" – ĐBQH nói về tình trạng loạn giá kít xét nghiệm Covid-19.
ĐBQH Trịnh Xuân An thảo luận tổ tại Quốc hội

ĐBQH Trịnh Xuân An thảo luận tổ tại Quốc hội

Như ANTĐ đã đưa tin, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã chỉ ra một loạt tồn tại trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế thời gian qua như: một số bệnh viện lớn sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch; có chuyện "lùm xùm" vaccine đối với các doanh nghiệp, để loạn giá kít xét nghiệm...

Về việc giá kít xét nghiệm Covid-19 mỗi nơi một kiểu mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã chỉ ra, ĐB An chỉ rõ: "Bộ Y tế cho biết, Bộ không định giá mà mỗi địa phương tự thực hiện, nhưng mình là "Tư lệnh", là cơ quan điều hành phải có chỉ đạo, không thể để như vậy được".

Vị ĐBQH là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội phân tích, trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng của Bộ Y tế cho các địa phương thực hiện để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá.

“Không thể giá kit xét nghiệm nơi thì 25.000 đồng nơi thì 85.000 đồng”- ĐB An nói và nêu rõ: "Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm”.

"Vai trò của người điều hành trong lĩnh vực y tế như thế nào? Chúng ta đang chuyển trạng thái, phấn đấu linh hoạt và an toàn nên vai trò của Bộ Y tế thời gian tới rất quan trọng" – ĐBQH đoàn Đồng Nai phân tích thêm.

Cũng liên quan đến công tác chống dịch Covid-19, ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu, trong công tác chống dịch cần có nguồn lực dự trữ quốc gia và mua sắm tập trung, có sự điều tiết của Chính phủ và Bộ Y tế.

Trong khi dịch bệnh diễn biến rất nhanh và khó lường, bất cứ lúc nào cũng có thể gây thảm họa nên việc dữ trữ mua sắm, đấu thầu không theo kịp diễn biến của dịch. Khi dịch bùng phát thì mình thiếu, dịch hết đi thì thừa.

Theo ĐB Trần Thị Nhị Hà, ngành Y tế Hà Nội hiện vẫn đang hết sức nỗ lực trong công tác chống dịch, tuy nhiên suốt một tháng vừa qua vừa ngày đêm chống dịch, vừa tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.

"Ngành Y tế Hà Nội đã trả giá vụ án của CDC Hà Nội, chính vì vậy, anh em rất lo lắng. Tất nhiên chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ, tuy nhiên với việc giải trình hồ sơ liên tục như vậy sẽ gây tâm lý hoang mang" - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin.