Lo ngại phát sinh nhiều ngày lễ, gây lãng phí

ANTĐ - Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 diễn ra hôm qua,  14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã tập trung thảo luận, cho ý kiến xung quanh dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh, Luật phòng chống khủng bố, Nghị định về hoạt động mỹ thuật và Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của Việt Nam.

Cả nước có hơn 500 ngày kỷ niệm

Theo dự thảo Nghị định Quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam, việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng là việc làm cần thiết để tôn vinh, giáo dục truyền thống và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Mặc dù vậy, tại phiên làm việc chiều 14-1, nhiều thành viên UB TVQH tỏ ra băn khoăn về sự cần thiết ban hành Nghị định này. Lý do vì hiện nước ta đã có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, trong đó phần lớn đều đã được công nhận. Hầu hết các ban, bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương cũng đều có ngày truyền thống, ngày thành lập, tái thành lập và ngày kỷ niệm. Hơn nữa, việc ban hành Nghị định luật hóa toàn bộ ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, có thể sẽ làm phát sinh nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, gây lãng phí, ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân. 

Cho đến nay, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, nên việc công nhận các ngày này hiện mang tính tự phát và thiếu thống nhất, được thực hiện bởi nhiều cấp thẩm quyền khác nhau. Thực tế ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực xảy ra tình trạng công nhận trong một ngành hay một lĩnh vực có nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm. Ngoài ra, theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhiều ý kiến của Thường trực ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc việc điều chỉnh đối với “Ngày hưởng ứng”. 

Tạo điều kiện phát triển mỹ thuật

Một Nghị định khác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) soạn thảo, được UB TVQH cho ý kiến trong phiên làm việc hôm qua là Nghị định về hoạt động mỹ thuật. Dự thảo quy định: các hoạt động mỹ thuật có nội dung tuyên truyền chống lại Nhà nước; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục và hủy hoại môi trường; Sao chép, lưu giữ, trưng bày, mua, bán, chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Xây dựng các công trình mỹ thuật không đúng quy hoạch... đều bị nghiêm cấm. 

Về dự án Luật giáo dục quốc phòng an ninh, đa số ý kiến của UB TVQH cho rằng, việc thực hiện giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cần có những điều kiện đặc thù, nhất là hoạt động dạy và học được tiến hành tập trung trong môi trường quân sự. Đến nay, cả nước đã có 32 trung tâm đi vào hoạt động bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, đa số ý kiến tán thành với nội dung chỉnh lý của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ hơn chức năng của Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh và trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành có liên quan. Góp ý về quy định bổ sung đối tượng áp dụng dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến giáo dục quốc phòng an ninh vì điều này khó khả thi và chưa thực sự hợp lý.

Theo thống kê hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư công nhận 9 ngày, Thủ tướng Chính phủ công nhận 54 ngày, những ngày còn lại là do các cấp có thẩm quyền khác công nhận như:   Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ trưởng các Bộ chủ quản và do lịch sử để lại.

Sẽ thông qua Nghị quyết hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm

Phiên họp thứ 14 của UB TVQH khóa 13 diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16-1. Dự kiến trong ngày làm việc hôm nay, 15-1, các thành viên UB TVQH sẽ thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; dự án Luật khoa học công nghệ (sửa đổi) và dự án Luật đất đai (sửa đổi). Ở ngày làm việc cuối cùng, 16-1, UB TVQH sẽ thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Cho ý kiến về một số Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước.