Lò mổ gia súc công nghiệp đang thất thế

ANTĐ - Giết mổ thủ công mất vệ sinh nghiêm trọng là vậy, nhưng nghịch lý ở chỗ, một số lò giết mổ hiện đại đã đi vào sản xuất nhưng buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì ế ẩm. Hà Nội đã có quy hoạch giết mổ tập trung gần chục năm nay, song đến nay vẫn ì ạch.

Lò mổ hiện đại đắp chiếu

Giết mổ công nghiệp khóc dở vì lò mổ thủ công chèn ép

Cơ sở Minh Hiền đóng tại khu công nghiệp Bích Hòa - Thanh Oai được đầu tư gần 70 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền công nghệ với công suất giết mổ 600 - 1.000 con/ngày nhưng hiện nay mới chỉ đạt được 10% công suất. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc công ty, nguyên nhân là do thói quen giết mổ thủ công đã ăn sâu vào nhiều hộ dân làm nghề. Cùng với đó, chi phí giết mổ công nghiệp cao hơn cách làm thủ công tới 50 - 60%, do vậy, giết mổ thủ công dù mất vệ sinh nghiêm trọng vẫn có đất sống, còn giết mổ hiện đại lại đang chết dần. Bà Hiền cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ban đầu để thu hút các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở tập trung, hiện đại, dần dần thay đổi tập quán sản xuất. Bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích cần có biện pháp kiên quyết, xử lý những lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thì mới có hy vọng thay đổi được.

Tương tự, lò mổ đóng trên địa bàn huyện Đan Phượng của Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex) cũng đang lâm vào cảnh treo giá. Giám đốc công ty này - ông Lê Đình Phượng cho biết đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng lò mổ với dây chuyền giết mổ hiện đại, công suất lên tới 1.800 con/ngày. Thế nhưng, hiện trung bình mỗi ngày lò chỉ giết thịt được 70 - 80 con. “Chúng tôi không cạnh tranh nổi với các lò giết mổ chui. Họ chỉ cần đầu tư mấy con dao, cái chảo đun nước, chiếc xe máy cà tàng và một mặt bằng nho nhỏ là có ngay một lò mổ thủ công. Đầu tư thấp nên giá thành tại các lò này thấp hơn so với giá của chúng tôi. Tại lò mổ thủ công, người ta có thể đưa lợn không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch thú y, thậm chí đưa cả lợn bị bệnh vào giết mổ. Lò thủ công thường nằm len lỏi trong các ngõ phố, tiện đi lại, gần hơn so với lò giết mổ của chúng tôi hàng chục cây số. Vì thế, lò thủ công rất được ưa chuộng, ông Phượng nói.

Không thể nói suông mãi

Năm 2010, trước thực trạng quá mất vệ sinh của lò mổ thủ công Thịnh Liệt, UBND TP đã quyết định đóng cửa lò mổ này. Người tiêu dùng Thủ đô ngỡ tưởng sẽ được tiêu thụ những miếng thịt lợn đảm bảo vệ sinh hơn, nhưng thực tế, tại buổi kiểm tra của Bộ NN&PTNT vào rạng sáng 17-4 tại 3 lò mổ trên địa bàn thành phố cho thấy, tất cả vẫn là giết mổ thủ công với những công đoạn, phương pháp thô sơ, mất vệ sinh nghiêm trọng. Từ lâu, UBND TP Hà Nội đã có quy hoạch, xây dựng những nhà máy giết mổ tập trung, hiện đại. Năm nào, vấn đề này cũng được xới lên rồi lại chìm xuống, để đến nay, khi an toàn chăn nuôi, an toàn giết mổ ở mức báo động đỏ thì các sở, ngành chức năng vẫn cứ loay hoay với bài toán lò mổ. 

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trên địa bàn Hà Nội, quy hoạch giết mổ đã được thực hiện qua nhiều năm nhưng đến nay tiến triển không nhiều. “Hiện Hà Nội cũng đã có một số nhà máy giết mổ công nghiệp nhưng tất cả đều đang “thoi thóp” vì không cạnh tranh được với giết mổ thủ công. Ngoài khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thì cần có cơ chế hỗ trợ lò giết mổ nhỏ lẻ, cũng như có biện pháp cứng rắn hơn để xóa bỏ hình thức này”, ông Phạm Văn Đông nói.

Hà Nội đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc từ nhiều năm nay như giảm thuế thuê đất, hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải… song vẫn chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư. Đã đến lúc cần quy trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành được giao nhiệm vụ, còn để tình trạng như hiện nay, chưa biết bao giờ người dân mới được sử dụng sản phẩm giết mổ hợp vệ sinh.