“Lò luyện thi” - ngành công nghiệp hốt tiền ở Ấn Độ

ANTĐ - Giống như nhiều nước châu Á, áp lực thi cử đã sản sinh ra các trung tâm luyện thi ở các thành phố của Ấn Độ. Trong đó có thành phố luyện thi Kota, thuộc bang Rajasthan, nơi luyện thi đã trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền. 

Lớp học Bansal không lúc nào có chỗ trống

Theo đuổi giấc mơ đại học

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 5ha với tòa nhà 8 tầng,  10.000 học sinh học trong các phòng học có máy chiếu màn hình LCD. Các lớp học Bansal rộng hơn, học sinh đông hơn hầu hết các trường học khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cơ sở nổi tiếng cả nước nằm ở Kota, thành phố thuộc bang sa mạc Rajasthan này không phải là trường phổ thông cũng không phải là một trường đại học. Nó được xem là “viên ngọc trên vương miện” của ngành công nghiệp luyện thi tư nhân ở Ấn Độ. 

Các trung tâm luyện thi đã trở thành “nam châm” thu hút hàng chục nghìn gia đình, phần lớn là tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ gửi con em theo học để tham gia cuộc thi tuyển cạnh tranh khốc liệt vào một số ít các trường đại học kỹ thuật và y tế hàng đầu nước này. 

Yash Raj Mishra, một học sinh luyện thi ở Kota, ở trọ trong một căn phòng nhỏ không có tivi hay máy tính. Mishra dành gần 16 giờ đồng hồ mỗi ngày để tham gia các lớp luyện thi và giải các bài tập trắc nghiệm. “Vật lý là “người yêu” đầu tiên và cũng là người yêu cuối cùng của tôi” - Mishra nói. Cậu học sinh 17 tuổi ngồi dựa lưng vào bức tường dán đầy những mảnh giấy ghi công thức vật lý, toán học. “Tôi thấy buồn và thất vọng khi không đạt điểm cao bằng các bạn trong các bài thi thử” - Mishra cho biết cậu chỉ có thời gian gọi điện cho bạn bè để hỏi số điểm họ đạt được trong các bài thi thử hàng ngày.

Hàng năm có khoảng 50.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông tới Kota để ôn luyện. Tuy nhiên những cô tú cậu tú không chỉ mang theo giấc mơ đại học tới các lò luyện mà còn kèm theo những số tiền không nhỏ. Bởi riêng chi phí học tập đã vào khoảng 3.000-4.000 USD/ năm, cộng với số tiền ít nhất 2.000USD thuê nhà trọ và nhiều khoản tốn kém phát sinh trong khi ôn luyện. Đây là những khoản phí khá lớn với hầu hết người dân Ấn Độ, nơi tập trung 1/3 người nghèo của thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 1.250USD.

Nhưng những học sinh tới Kota đều chấp nhận cái giá phải trả để được tiếp cận với giấc mơ đại học, để thoả mãn khát vọng leo lên những nấc thang cao hơn trong xã hội. Chính điều này đã khiến các lò luyện ở Kota nở rộ và thúc đẩy sự phát triển của các hình thức luyện thi tại đây. 

Mất cân bằng hệ thống giáo dục

Kota đã trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp luyện thi mang lại nhiều tỷ USD, nhờ vào sự thành công của lớp học Bansal. Lớp học Bansal là một lò luyện tư nhân có từ những năm 1980 theo tên của người sáng lập. Lò Bansal có cơ sở vật chất cao hơn so với nhiều lò luyện khác trong thành phố. Và các lớp học Bansal thu hút khoảng 10.000 nghìn học sinh mỗi năm, đem về cho ông chủ Vinod khoảng 1 tỷ rupiah, tương đương 17,86 triệu USD.  

Thành phố với gần 1 triệu dân này đã phát triển nhờ “ăn theo” các lò luyện thi với hàng nghìn ngôi nhà xây cho sinh viên thuê và các dịch vụ khác. Ngoài những lò luyện chính thống, tại Kota giờ còn có thêm các lò luyện ảo của người nước ngoài,  với các lớp học trực tuyến và sách vở điện tử. 

Tuy nhiên, trong khi các lò luyện thi ở Kota ngày càng nở rộ thì nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo các lò này đang làm gia tăng sự mất cân bằng trong hệ thống giáo dục Ấn Độ, đất nước có tỷ lệ bỏ học cao, với 1/4 dân số mù chữ. Bên cạnh đó, các lò luyện thi góp phần khiến các học sinh thiếu hụt các kỹ năng phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và đe doạ đẩy lùi sự phát triển kinh tế mà Ấn Độ đang cố gắng vươn lên trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Chad Lykins, đồng tác giả một báo cáo nghiên cứu về các lò luyện thi tư nhân tại Ấn Độ của Ngân hàng phát triển châu Á cho rằng, về lâu dài, các lò luyện thi làm suy yếu niềm tin vào hệ thống giáo dục chính thống, nơi mà sự chăm chỉ và tài năng được đền đáp. Thay vào đó, những học sinh không theo học theo chương trình giáo dục nhà trường, mà tham gia các lò luyện để nắm bắt các bí quyết thi cử và “học tủ” sẽ đạt được thành công. 

Các trung tâm luyện thi này khiến cho hệ thống giáo dục chính thống bị ảnh hưởng, thậm chí còn bị xem nhẹ. Mức lương lên tới 6.000 USD/tháng tại các trung tâm luyện thi đã khiến không ít giáo viên các trường học khác chuyển sang. Thậm chí, các giáo viên thường không dạy hết kiến thức ở lớp học, buộc học sinh phải tìm đến nhà học thêm, hay các trung tâm luyện thi. Những lò luyện thi cũng khiến các bậc phụ huynh và học sinh có “niềm tin mù quáng”, theo học tốn kém với những giấc mơ đỗ đạt ngay cả khi các em không có năng khiếu hay yêu thích các ngành học này. 

Đau lòng hơn, mục tiêu học sinh theo học các lò luyện thi này là để vượt qua các kỳ thi khó khăn để vào được các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mong ước của mình. “Năm ngoái, có khoảng 50 học sinh đã tự tử tại Kota. Khi một đứa trẻ nhận ra rằng nó không thể thi đỗ vào các trường hàng đầu, cảm thấy tội lỗi khi tiêu tốn tiền của cha mẹ để theo học các lớp luyện thi có thể dẫn tới những hành động dại dột” - ông Vinod Kumar Bansal nói.