Liên tục "sốc"

ANTĐ - Trong khi người tiêu dùng còn đang bức xúc, chưa bằng lòng, chưa tin tưởng vào sự minh bạch của giá xăng dầu trong nước, của quy định sử dụng Quỹ bình ổn giá (Quỹ BOG) dẫn tới việc điều chỉnh giá xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập thì một quyết định tăng giá xăng dầu nữa lại bất ngờ được đưa ra hôm 14-6.

Cùng với quyết định tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục được sử dụng Quỹ BOG để hạn chế mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

Xăng dầu lại tăng giá thêm tối đa 426 đồng/lít là đồng nghĩa với việc giá rất nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng lại  tăng, trong khi hầu bao thu nhập của người dân không cách gì “ phình nở” để đủ bù chi. Vấn đề không mới, có từ lâu rồi, nhưng vẫn luôn nóng. 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài Chính - ông Ngô Trí Long cho rằng: “Thời điểm này tăng giá là hoàn toàn không hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp lỗ lãi không rõ ràng. Họ vẫn tăng chi phí hoa hồng cho đại lý, chứng tỏ họ không lỗ. Giá thế giới lại không biến động. Và hiện tại, các cơ quan quản lý thì chưa đủ công cụ để kiểm soát việc kinh doanh của doanh nghiệp”.

Mới chỉ ít ngày trước, các chuyên gia về lĩnh vực xăng dầu đều có chung nhận định các doanh nghiệp xăng dầu đang có tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, thậm chí nhiều ý kiến đề nghị nên ngừng xả Quỹ BOG vì doanh nghiệp thực sự không lỗ. Theo tính toán, sau khi được hưởng ưu đãi từ trích quỹ và chi phí định mức, doanh nghiệp hiện đang được dư ra gần 800 đồng/lít xăng chứ không phải đang lỗ gần 400 đồng/lít. Trong khi đó, cơ quan quản lý thay vì ngưng xả Quỹ BOG, lại tiếp tục cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa được xả quỹ lại vừa được tăng giá. Trong khi đây là thời điểm nên ngừng trích Quỹ BOG vì quỹ hiện gần hết. Việc cho doanh nghiệp được trích Quỹ BOG  đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao trong khi họ vẫn có thể lớn tiếng kêu ca rằng đang... lỗ. 

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, mấu chốt của những bất cập trên thị trường xăng dầu là Nghị định 84 và minh chứng rõ ràng là những nghi ngại xoay quanh việc sử dụng Quỹ BOG. Hiệp hội phân tích, việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ các nguyên tắc quản lý quỹ, áp dụng không đúng thời điểm... đã dẫn tới việc điều chỉnh giá bán lẻ tại nhiều thời điểm quá cao.

Tính minh bạch, công khai trong việc sử dụng các quỹ, các công cụ kinh tế... trong công tác điều hành giá xăng dầu đang không chỉ gây nhiều bức xúc trong xã hội mà còn gây “sốc” cho nền kinh tế.