Liên kết nông dân với thị trường để có nông sản sạch

ANTD.VN - Liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) đã ra đời 15 năm nay nhưng nông sản Việt Nam vẫn thua ngay trên sân nhà và khó vươn ra thị trường quốc tế. Liên kết lỏng lẻo, doanh nghiệp đã vào cuộc nhưng chưa mặn mà nên nông sản sạch vẫn là giấc mơ của người tiêu dùng Việt Nam.

Liên kết nông dân với thị trường để có nông sản sạch ảnh 1Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để có nông sản sạch

Canh tác manh mún, chạy theo số lượng

Ước tính, đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chiếm đến quá nửa là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với số vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng. Bởi vậy, đa phần nông sản hiện nay vẫn do nông dân sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai người ấy làm, mạnh vùng nào vùng ấy phát triển. Không kiểm soát được quá trình sản xuất cũng như việc phân phối nên nông sản của Việt Nam rất khó vươn ra thị trường thế giới bởi chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. GS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt vấn đề, Việt Nam sản xuất dư thừa  gạo để làm gì trong khi xuất khẩu thì ngày một kém và giá trị thấp, ngược lại vẫn phải chi cả tỷ USD để nhập các nguyên liệu khác như ngô, lạc, đậu tương về chăn nuôi. 

Tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Bộ NN&PTNT cùng Công ty Đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup) tổ chức ngày 14-12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt thấp, sản lượng nông sản lớn nhưng còn khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài và trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu vẫn là quy mô nông hộ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thiếu sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. GS Trần Đức Viên cho rằng, vai trò của kinh tế hộ gia đình đã đến lúc chấm dứt và liên kết là xu hướng bắt buộc. 

Kéo doanh nghiệp vào cuộc

Theo thống kê, từ năm 2013 đến vụ Đông Xuân 2015-2016, đã có hàng nghìn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích hơn 550.000ha, trong đó, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn nhất với 450.000ha. Tuy nhiên, các khu vực này đều gặp khó khăn là thừa đầu vào, thiếu đầu ra. Việc bao tiêu sản phẩm ở đa số các mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ đảm bảo 10-20%. Hơn nữa, doanh nghiệp ký kết với nông dân bao tiêu sản phẩm nhưng ở tình trạng “thiếu tin tưởng nhau”, doanh nghiệp khi không bán được thì dìm giá nông sản hoặc không thu mua nữa. Còn nông dân nhiều khi thấy lợi trước mắt cũng “bỏ” doanh nghiệp, phá hợp đồng và tự ý bán sản phẩm ra ngoài. 

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp sạch thì không thể mãi tồn tại tình trạng “hàng chục triệu nông dân cùng tham gia bán hàng với xe thồ, quang gánh ngoài chợ”. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường hiện nay còn bị buông lỏng, nếu không thay đổi cơ chế quản lý thì mọi quy định về chất lượng nông sản của chúng ta đều rơi vào thất bại. 

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm, tái cơ cấu nông nghiệp chỉ thành công khi nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp cùng tham gia. “Doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển bền vững bước vào hội nhập. Đây là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn dắt kinh tế nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng phát triển. Doanh nghiệp phải đi đầu trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.