Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất

ANTĐ - Trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp ý kiến cử tri cả nước gửi tới Quốc hội. Bên cạnh những vấn đề dân sinh bức xúc, cử tri quan tâm nhiều tới việc Quốc hội triển khai lấy phiếu tín nhiệm, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và công tác phòng, chống tham nhũng.

Tháng 1-2013, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Đặc biệt quan tâm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, cử tri kiến nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý, liên tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ghi nhận một số kết quả trong phòng, chống tham nhũng song cử tri còn băn khoăn “số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít; một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật...”. Do đó, cử tri yêu cầu siết chặt thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; chủ động rà soát xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng. Cử tri hết sức quan tâm và tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và ở các tỉnh, thành phố. Cử tri kỳ vọng thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt. 

Cũng trong lĩnh vực này, cử tri bày tỏ lo lắng khi “tình trạng lãng phí vẫn diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công...”. Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp. Nhiều công trình dở dang do thiếu vốn hoặc xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Xung quanh việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cử tri phản ánh, ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở, còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cử tri đề nghị tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc. Đồng thời, giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội.

Tình hình kinh tế khó khăn cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri. Một số ý kiến bức xúc vì giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới, dẫn đến sự băn khoăn của cử tri và nhân dân về quản lý, điều hành thị trường vàng. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên, đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế Nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản Nhà nước. Cử tri cũng đề nghị Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ vùng biển Tổ quốc.

Các vấn đề giáo dục, y tế cũng là nội dung gây bức xúc cho cử tri nhiều địa phương. Câu chuyện quá tải bệnh viện hay việc cơ quan chức năng buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều cơ sở hành nghề y của người nước ngoài hoạt động trái phép, chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo... tiếp tục được cử tri phản ánh. Tương tự, những tồn tại mang tính “thâm căn cố đế” của ngành giáo dục như học thêm, dạy thêm tràn lan; bệnh thành tích; chất lượng giáo dục đại học giảm sút... cũng được cử tri yêu cầu sớm có biện pháp chấn chỉnh một cách hiệu quả.

Chuẩn bị chu đáo việc lấy phiếu tín nhiệm

“Một trong những nội dung tôi quan tâm là việc Quốc hội triển khai lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đến nay, về cơ bản, tôi thấy không có gì băn khoăn. Dù đây là lần đầu tiên nhưng nhất định ta phải làm trôi chảy, không để xảy ra sự cố và quan trọng là phải đạt hiệu quả mong muốn chứ không phải làm hình thức, không những không đạt hiệu quả mà còn bị tác dụng ngược. Theo tôi, chưa có Quốc hội nước nào tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một số lượng lớn chức danh cùng lúc như vậy nên dù công tác chuẩn bị của ta nói chung là chu đáo, kỹ lưỡng nhưng cũng phải chờ xem các ĐBQH thể hiện trách nhiệm của mình thế nào, có đáp ứng được hiệu quả mong muốn hay không”. 

ĐB Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế 

“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã khẳng định, nền kinh tế còn những tín hiệu đáng lo ngại. Điều này thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp (4,89%) và chỉ số tín dụng 4 tháng đầu năm thấp (tăng 1,44%) trong khi số dư tiền gửi tăng tốt (5,04%). Chỉ số tín dụng thấp chứng tỏ sức hấp thu nền kinh tế rất “yếu” vì chúng ta xác định nền kinh tế muốn tăng trưởng phải nhờ vào nguồn vốn nhưng dòng vốn tín dụng lại “đóng băng”. Đáng ngại hơn là tình hình cho thấy các doanh nghiệp không hồ hởi với đồng vốn so với thời điểm khó khăn năm 2007.

Một mối lo khác là các chỉ số tăng trưởng trong nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp vốn là nội lực làm nền kinh tế chặt chẽ thì nay đang mất dần chỗ đứng do đầu ra gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, nền kinh tế rất đáng lo và cần phải thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu tức thời, chậm ngày nào, khó khăn càng chồng chất”.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)
Nhiều ý kiến rất đáng chú ý

“Việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các ĐBQH tại kỳ họp lần này sẽ có sự khác biệt vì chúng ta đã có hơn 18 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo. Đây là tổng hợp các ý kiến đa chiều, đóng góp cho tất cả 124 điều, 11 chương của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, có nhiều ý kiến rất đáng chú ý như đề xuất đổi tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành “Việc Nam dân chủ cộng hòa”, đóng góp cho Lời nói đầu với mong muốn ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề chủ quyền nhân dân… Vì thế, Quốc hội sẽ xem xét rất kỹ những ý kiến đóng góp của nhân dân, từ đó, tiếp tục đưa vào để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Hiến pháp. Dự kiến, Quốc hội sẽ dành trọn 2 ngày thảo luận tại hội trường về nội dung đặc biệt quan trọng này”.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)