Làm thơ không thể “cố” được

(ANTĐ) - Từng được mệnh danh là người “hiện đại hóa” thơ, “làm mới” thơ, rồi cũng đã từng say sưa chiêm nghiệm với thơ trên tranh tre nứa lá, thúng mủng giần sàng… rồi bỗng dưng ông im ắng với thơ. Rồi một hôm thấy tập thơ Nguyễn Duy xuất hiện với  283 bài thơ là một sự tổng kết, một sự nhìn lại cả một chặng đường thơ của ông.

Nhà thơ Nguyễn Duy:

Làm thơ không thể “cố” được

(ANTĐ) - Từng được mệnh danh là người “hiện đại hóa” thơ, “làm mới” thơ, rồi cũng đã từng say sưa chiêm nghiệm với thơ trên tranh tre nứa lá, thúng mủng giần sàng… rồi bỗng dưng ông im ắng với thơ. Rồi một hôm thấy tập thơ Nguyễn Duy xuất hiện với  283 bài thơ là một sự tổng kết, một sự nhìn lại cả một chặng đường thơ của ông.

Mở ngay trang bìa, tôi rất thích cái giới thiệu của ông về bản thân: “…Năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, về làng làm ruộng, kiêm dân quân trực chiến chống máy bay Mỹ…”. Rất gọn ghẽ, đơn giản. Không bóng bẩy cầu kỳ. Nguyễn Duy không giấu giếm mà thản nhiên phơi bày gốc tích của mình: “Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo / quen cái thói hay nói về gian khổ / dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm”. Ông tự nhận mình là một người làm ruộng, gã nhà quê, cũng như cái cách ông viết thơ về mình: “Ta dù lếch thếch lôi thôi / Mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng” (Bao cấp thơ). Và tôi cũng rất thích cái “lôi thôi lếch thếch”, cái chất nông dân, chất nhà quê trong thơ Nguyễn Duy. Bởi chất nhà quê ấy đã làm nên chất thơ Nguyễn Duy.

Nguyễn Duy cũng có những câu thơ thật là ghê gớm, đầy triết lý kiểu như “Đạo đức giả có thể thành dịch tả / Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường”; (Đánh thức tiềm lực) hay “Xin đừng hót những lời chim chóc mãi” (Nhìn từ xa… Tổ quốc). Những câu thơ kiểu ấy khiến người ta có thể giật mình, khiến người ta bị ám ảnh, rờn rợn gai ốc. Rồi ông cũng có những câu thơ rất “vui tính” kiểu như: “Giọt rơi hơi bị trong veo /mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi / Chân mây hơi bị cuối trời / Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu” (Chạnh lòng 1). Đọc những câu thơ này, khiến người ta bật cười, khiến người ta bất ngờ về một Nguyễn Duy khác, trẻ trung tinh nghịch chứ không phải Nguyễn Duy đằm nhuyễn của ca dao hay gai góc, ngang tàng trong thơ thế sự…

Song, có lẽ điều làm người đọc thấm thía và đồng cảm, và nhớ về thơ Nguyễn Duy nhiều hơn, đó là những câu thơ ông viết cho những con người đau khổ, viết về những nỗi niềm nhân thế. Những câu thơ trầm tĩnh mà ánh lên vẻ đẹp cao thượng. Chưa bàn đến kỹ thuật của ngôn từ, chưa bàn đến cái chất thơ của một tài năng có thể nói là bậc thầy về thi ca, mà mới đọc những câu thơ ấy đã thấy lấp lánh, chất chứa vẻ đẹp nhân văn.

Cái đó có lẽ chỉ có được ở một năng khiếu bẩm sinh của nhà thơ, chỉ có được nhờ cảm xúc của một nhà thơ nhân dân cũng đã từng lam lũ, một người “dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm”. Ông viết về người ăn mày: “Tôi giấu mặt vào giữa đám đông / đám đông chảy như một dòng nước xiết / tay lần mãi hầu bao rỗng lép /chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp/ trả vào lòng bàn tay trũng như đồng chiêm đang ngửa lên” (Thơ tặng người ăn mày)…

PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, ra tuyển tập về hành trình thơ của mình, có phải ông đã nhìn thấy “xác thời gian” rồi không? 

Nhà thơ Nguyễn Duy: Đúng vậy. Tôi bị ám ảnh vì cái “xác thời gian” từ trước khi được “đề bạt” lên hạng U.70 mà trong người lại mang cả bệnh nan y lẫn thương tật. Một tờ lịch từ trần/ lõm bõm thêm một ngày ta sống / và trắng xóa thêm một ngày ta rụng”… Không bi quan nhưng cũng không lạc quan về sức khỏe của mình. Phải kiểm kê đời mình kẻo muộn. Phải có tuyển tập thơ chứ. Thật ra, bản thảo tuyển thơ này tôi đã soạn từ năm 1997, cùng năm với cuộc triển lãm thơ đầu tiên của mình, để tự mừng được thăng hạng U.60 và tự dừng làm thơ. Chỉ có một bài của thời học trò, Trên sân trường - năm 1957, còn lại là các bài từ 1967 đến 1997. Tuyển thơ này đã lần lượt bị từ chối ấn hành vì trong đó có một số bài gai góc quá, mãi đến nay mới được ra đời sau 13 năm lăn qua cửa nhiều nhà xuất bản.

PV: Sao không thấy bài thơ mới nào của ông, ông đã đoạn tuyệt với thơ?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Thì đã bảo là tự dừng làm thơ từ 1997 đó thôi. Tôi không đoạn tuyệt với thơ, mà là dừng làm thơ. Muốn làm hay hơn mà không làm được thì phải dừng chứ. Càng nối dài mình bằng cái dở thì càng dở, không tự thấy điều ấy thì hóa ra dở người.  Tôi không “hót lời chim chóc” đâu, mà “là ta, ta hát bằng lời của ta”, nhưng cứ lặp đi lặp lại mãi chính cái giai điệu mình đã hát thì đáng chán lắm, hát cũng chán và nghe cũng chán. Chính vì tôn trọng thơ, tôn trọng người yêu thơ mà tôi buộc mình phải dừng làm thơ.

PV: Thực tình ông thích thơ mình ở điểm nào?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Thói thường là “văn mình vợ người”. Bình tâm nhìn lại thơ mình, tôi thật lòng thích loại thơ lục bát “dịu và nhẹ” như ca dao hơn cả, bởi nó hợp với cái tạng đồng quê của tôi; nó bình dị và êm ả, xa vắng và vĩnh hằng; nó bắt tôi mê mẩn dụng công cho từng câu chữ cứ ngỡ dễ như không mà thực ra rất khó. “Tự dưng nhớ thật nhớ thà/ nhớ con đường chả đi qua bao giờ/ Tự dưng nhớ gió trong mơ/ nhớ trăng dát bạc đôi bờ sông Ngân…”. Đó là loại thơ tôi muốn làm.

Còn loại thơ thế sự nặng nề, tôi tốn nhiều tâm sức với những cảm xúc mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng thú thật rất mệt. Như đau quá, xót quá, tức quá, giận quá… thì la lên, hét lên. Tôi đâu muốn trên đời này có nhiều nỗi đau khổ để dằn vặt và chia sẻ, đâu muốn xã hội này có lắm cái xấu, cái ác để lăn lưng ra mà lên án và đả phá. Đó là loại thơ tôi phải làm, như một lẽ thường tình vậy.

PV: Có lần tôi nghe ông nói đến một ý thơ thiền: “Cái phi thường nhất của một con người là làm người bình thường”?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Câu trả lời đã có sẵn trong bài “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ” rồi. “Ta sờ sợ nơi nào nhiều khôn vặt ít thông minh”… “Thì ta thi tài với con nít lối xóm / cờ tướng, cờ vua, cờ ngựa, cờ ô/ chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì/ ván âm dương Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ/ ngồi xổm chơi hay ngồi bệt thì tùy / nghêu ngao lõng thõng hò vè / giun dế du dương ễnh ương đắm đuối / và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội / lời trẻ con phấp phới ngũ hành kì!”.

PV: Bao giờ thì ông lại công bố thơ mới của mình?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Bao giờ được trời ban cho điệu hồn mới thì mới có thơ mới. Bằng không, đành chịu “tịt” thôi. Làm thơ không thể “cố” mà được.

Đinh Hương Bình

(Thực hiện)