Làm rõ trách nhiệm đảm bảo thông tin cá nhân trên mạng

ANTĐ - Ngày 24-6, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao về tầm quan trọng của dự án Luật An toàn thông tin đang được Quốc hội thảo luận và cho rằng: “Rất cần thiết có luật để điều chỉnh những nội dung, vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực này”.

- Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin?

- Luật An toàn thông tin rất cần thiết trong cuộc sống. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, những trao đổi thông tin, giao dịch, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến. Nếu thiếu trao đổi thông tin, sẽ không thể đảm bảo hiệu quả hoạt động, không thể đáp ứng nhu cầu thông tin trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, có những mặt trái như: việc để lộ lọt thông tin, truy cập trái phép… với những mục đích khác nhau, thậm chí gây thiệt hại cho những người sử dụng, trao đổi thông tin.

Làm rõ trách nhiệm đảm bảo thông tin cá nhân trên mạng ảnh 1

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng

 - Ông nhận xét thế nào về trách nhiệm bảo vệ thông tin của cá nhân trên mạng Internet?

- Việc đảm bảo an ninh thông tin cá nhân trên mạng Internet đang là thách thức. Do đó, phải có quy định của pháp luật để hạn chế, giảm thiểu vi phạm, trục lợi, lợi dụng công nghệ thông tin để gây tổn hại đến cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đảm bảo an ninh thông tin cá nhân trên mạng phải quy định 3 cấp độ: Nhà nước phải có biện pháp, lực lượng, đầu tư về cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và an toàn thông tin cho tổ chức, cá nhân. 

Tiếp đến là đảm bảo an ninh thông tin cá nhân của doanh nghiệp và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về thông tin phải đảm bảo an ninh thông tin cho khách hàng. Đây cũng là một cơ sở để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. 

Vấn đề thứ ba là người sử dụng công nghệ thông tin phải am hiểu và thành tạo các thao tác, kỹ năng, kiến thức khi sử dụng công nghệ thông tin. 

- Hiện nay, tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng diễn ra nhiều. Có ý kiến cho rằng, luật cần quy định chi tiết hơn về đơn vị nào được phép đứng ra thu thập thông tin cá nhân?

- Thứ nhất, về trách nhiệm quản lý Nhà nước, pháp luật phải quy định cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống phải nắm được thông tin hoạt động của các doanh nghiệp, quản lý an toàn thông tin quốc gia, thông tin cá nhân. 

Thứ hai là dịch vụ của doanh nghiệp. Pháp luật phải quy định những doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực… để tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin.

Có cách nào ứng cứu khẩn cấp nữ sinh tự tử vì clip sex lên mạng xã hội?

Nghị trường Quốc hội hôm qua 24-6 thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu ý kiến, hiện nay, tin nhắn rác gửi đến số điện thoại cá nhân rất nhiều. Vì vậy, cần có quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi truyền tải thông tin.

ĐB Trần Văn (Cà Mau) phát biểu, tác hại của mất an toàn thông tin ai cũng thấy rõ. Vì vậy, trong các hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung hành vi xâm phạm thông tin cá nhân trái pháp luật.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu vụ nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử do bị bạn trai đưa clip sex lên mạng xã hội là vô cùng đau xót.

“Trong những ngày chăm sóc nữ sinh này tại bệnh viện, người nhà cháu đã nói một câu làm tôi suy nghĩ: “Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu”. Câu hỏi đặt ra là có cách nào ứng cứu khẩn cấp đối với gia đình em nữ sinh trong tình huống này? Theo tôi, việc xây dựng Luật An toàn thông tin là vô cùng cần thiết, giúp giảm thiểu tác động xấu của mạng Internet đến thanh thiếu niên” - ĐB Nguyễn Thanh Hải nói.              
Huệ Linh