Cần bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng

ANTĐ - Thảo luận về dự thảo Luật An toàn thông tin, Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng trong luật này.

Cần bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng ảnh 1Người sử dụng internet càng nhiều, nguy cơ mất an toàn thông tin càng cao

Luật An toàn thông tin rất quan trọng và cần thiết

Sáng 6-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn thông tin. Trình bày dự luật này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập toàn cầu của nước ta, công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng internet cũng đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thông tin là rất quan trọng và cần thiết.

Đại biểu Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, mạng thông tin càng mở rộng, số người sử dụng mạng càng nhiều, tốc độ truy cập càng cao thì nguy cơ mất an toàn thông tin và mức độ thiệt hại do bị đối tượng xấu tấn công càng lớn. Luật An toàn thông tin sẽ phát huy các nguồn lực của đất nước để phát triển lĩnh vực an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thường trực Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường tán thành với quan điểm không quy định chủ quyền quốc gia về không gian mạng trong dự thảo luật và cho rằng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng trong luật này.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị việc xây dựng Dự luật cần phải đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý thêm, quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Do vậy, các quy định không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội.

Học phí, viện phí thực hiện theo cơ chế giá

Chiều cùng ngày, trình bày dự thảo Luật Phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Pháp lệnh phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Qua rà soát, chỉ còn 36/73 khoản phí được quy định trong Danh mục phí kèm Pháp lệnh phù hợp với thực tiễn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với việc chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí, thực hiện theo cơ chế giá. Quy định về 2 loại phí này cũng đã được thể hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá, do vậy viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.