Làm rõ những vi phạm trật tự đô thị quanh hồ Ngọc Khánh - không gian xem xét triển khai phố đi bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung quanh hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội đang tồn tại những bất cập liên quan đến giải quyết trật tự đô thị. Dù lực lượng công an phường đã tăng cường các biện pháp, song, để xử lý tận gốc còn là cả một vấn đề nan giải.

Gian nan biện pháp tháo gỡ

Có một thực tế là, dù đã có biển cấm dừng, đỗ phương tiện nhưng xung quanh khu vực hồ Ngọc Khánh vẫn có nhiều ô tô đỗ dưới lòng đường, còn xe máy thì để trên vỉa hè tràn lan, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Qua tìm hiểu của phóng viên An ninh Thủ đô, toàn bộ số phương tiện phần lớn là của người dân đang sinh sống tại khu vực này, hai là của cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp, cơ quan có trụ sở văn phòng làm việc xây dựng quanh hồ, trên các trục đường Phạm Huy Thông, mặt ngoài hướng ra phố Kim Mã, hoặc dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh…

Anh Trần Văn B., 33 tuổi, hiện đang làm việc tại một tòa nhà trên đường Phạm Huy Thông cho biết, hàng ngày đi làm khá xa, đường tắc, nếu như gửi vào điểm trông giữ xe được cấp phép thì không thuận tiện cho việc di chuyển. Đặc biệt là sau khi gửi xe mà băng qua đường vào giờ cao điểm để tới văn phòng thì quá nguy hiểm, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.

Còn anh Đặng Văn C. thì cho rằng, gia đình anh sinh sống ngay mặt đường Phạm Huy Thông, nhu cầu mua sắm phương tiện di chuyển là cần thiết nhưng nếu ngày nào cũng phải đi gửi xe ra bãi rồi về nhà thì sẽ rất bất tiện. “Nếu như tính việc sáng đi tối về thôi thì tôi cũng phải mất tới 2 lượt đi bộ gần 2km” - Anh C. nói thêm.

Công an phường Ngọc Khánh nhắc nhở và yêu cầu chủ các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán

Công an phường Ngọc Khánh nhắc nhở và yêu cầu chủ các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán

Trung tá Nguyễn Đức Quý, Trưởng Công an phường Ngọc Khánh cho biết, vi phạm liên quan đến việc dừng, đỗ phương tiện quanh hồ Ngọc Khánh rất phức tạp dù đã tăng cường tuyên truyền, vận động và đã nhiều lần xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

“Gần hồ Ngọc Khánh nhất là bãi xe trên phố Nguyễn Công Hoan và phố Nguyên Hồng, thuộc phường Thành Công. Tuy nhiên, người dân vẫn tùy tiện dừng, đỗ vì họ cho rằng gửi xe xa quá không thuận tiện, còn số khác vì hầm các tòa nhà làm văn phòng không đủ diện tích trông giữ, do vậy, họ cũng để ngay bên ngoài đường.

Chúng tôi cũng đã tham mưu, đề xuất BCĐ 197 phường Ngọc Khánh và thực tế là đã thực hiện cấp phép trông giữ tại vỉa hè số 1 Phạm Huy Thông. Tuy nhiên, diện tích này cũng chỉ trông giữ được một phần nào đó lượng phương tiện. Cơ sở hạ tầng thiếu, người dân lại thờ ơ với quy định đã dẫn đến tình trạng trên” - Trung tá Nguyễn Đức Quý thông tin.

Cũng theo chỉ huy Công an phường Ngọc Khánh, đơn vị bên cạnh việc giải thích, nhắc nhở, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật cũng đã đề nghị chủ các doanh nghiệp động viên cán bộ, công, nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân. “Đối với trường hợp cố tình vi phạm chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm. Song, cũng cần phải tính toán biện pháp về cơ sở hạ tầng thì mới mong giải quyết được tận gốc”.

Nhắc nhở các cá nhân tự ý câu cá tại khu vực hồ Ngọc Khánh

Nhắc nhở các cá nhân tự ý câu cá tại khu vực hồ Ngọc Khánh

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số quán cà phê bày ghế cho khách ngồi tràn xuống phần đường dành cho người đi bộ, dù đã được tuyên truyền, yêu cầu chủ hộ kinh doanh ký cam kết thậm chí xử lý nghiêm.

“Lực lượng mỏng, chỉ cần vắng bóng công an là tình trạng này lại tái diễn. Chúng tôi cũng nhiều lần xử lý, nhưng người dân vẫn còn chưa ý thức được hành vi, thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành thì cũng không thể giải quyết tận gốc rễ được” - Trung tá Nguyễn Hùng Mạnh, Phó trưởng Công an phường Ngọc Khánh nêu vấn đề.

Một hộ kinh doanh cà phê ven hồ Ngọc Khánh nói, bản thân hộ kinh doanh của chị cũng không muốn vi phạm, nhưng "khách muốn “view” hồ, nếu không chiều lòng thì mất khách, ảnh hưởng đến kinh doanh nên khi bị công an phường đẩy đuổi thì… chạy”.

Trà đá rong, xấu xí nhưng khó dẹp vì đâu?

Quanh khu vực hồ Ngọc Khánh còn tồn tại tình trạng người dân kinh doanh trà đá, hoặc vô tư ngồi câu cá. Có khoảng 5-6 trường hợp bán trà đá quanh hồ. Những người này tuổi đều trên dưới 60. Điều đáng nói ở đây là, tất cả những trường hợp này đều nằm trong diện hộ nghèo của phường Ngọc Khánh.

Như trường hợp bà V., 63 tuổi hiện đang một mình chăm 4 đứa cháu. “Mẹ các cháu bệnh chết nên các cháu ở với tôi. 5 bà cháu trông vào làn trà đá này. Tôi cũng quá tuổi lao động rồi nên không biết xin việc ở đâu. Các chú công an bắt thì tôi xin chứ giờ tôi biết làm gì để kiếm sống?” - Bà V. rớm nước mắt kể.

Công an phường trao quà hỗ trợ cho bà M. trong thời điểm giãn cách xã hội

Công an phường trao quà hỗ trợ cho bà M. trong thời điểm giãn cách xã hội

Một trường hợp khác là bà M. có chồng và con đều bị bệnh về thần kinh, một tay bà phải vừa kiếm tiền vừa lo hết cả sinh hoạt cho chồng con rất vất vả. Chiều chiều, bà M. tranh thủ xách làn có ấm, phích, chở theo thùng đá với vài cái cốc ra hồ Ngọc Khánh bán nước chè. “Thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, bà M. nhiều lần viết đơn gửi tới công an phường xin được cho ra ngoài bán hàng nếu không cả nhà sẽ chết đói. Chúng tôi đi làm nhiệm vụ cũng rất khó xử” - Đại úy Cao Văn Quang, cán bộ Công an phường Ngọc Khánh chia sẻ.

Nói thêm về những trường hợp này, Trung tá Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, đơn vị cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng không xử lý vì “bản thân họ quá nghèo, nếu xử phạt hay tịch thu đồ của họ thì rất thiếu nhân văn. Chính vì thế, chúng tôi đã làm việc với tổ dân phố và đề nghị giúp đỡ, ưu tiên trợ giúp khi có các Mạnh Thường Quân, các đoàn thiện nguyện đến trao quà”.

Cũng trong thời gian giãn cách, Công an phường cũng đã cùng với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể đến thăm hỏi, trao quà cho những trường hợp này để họ vượt qua khó khăn. “Trước đó, một số trường hợp người dân ra bán trà đá chúng tôi đã xử lý nghiêm và họ cũng không tái phạm, chỉ còn vài trường hợp trên là do hoàn cảnh quá vất vả nên bất chấp cả vi phạm” - Trung tá Nguyễn Đức Quý nói.

Tháng 4 vừa qua, UBND quận Ba Đình đã trình đề xuất mở không gian phố đi bộ hồ Ngọc Khánh, phố Phạm Huy Thông và 8 ngõ đi chung kết nối hồ với các tuyến phố. Tuy nhiên, trước mắt, chính quyền quận Ba Đình cần nghiên cứu, giải quyết những tồn tại về trật tự đô thị như việc bố trí hạ tầng cơ sở để phương tiện thuận tiện cho người dân; an sinh xã hội cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; hoặc nghiêm cấm kinh doanh đối với các hộ cố tình lấn chiếm vỉa hè…