Làm rõ nhiều vấn đề người dân quan tâm

(ANTĐ) - Ngày 13-11, chốt lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chất vấn người đứng đầu Chính phủ, các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều tới xuất khẩu gạo; công tác dự báo, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, ngành tham mưu cũng như một số vấn đề cụ thể như cải cách hành chính, xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, độc quyền ngành điện...

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn:

Làm rõ nhiều vấn đề người dân quan tâm

(ANTĐ) - Ngày 13-11, chốt lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chất vấn người đứng đầu Chính phủ, các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều tới xuất khẩu gạo; công tác dự báo, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, ngành tham mưu cũng như một số vấn đề cụ thể như cải cách hành chính, xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, độc quyền ngành điện...

“Thái độ của Chính phủ là nhìn thẳng vào yếu kém, khuyết điểm, phân tích rõ để khắc phục, sửa chữa, làm tốt hơn...”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Thái độ của Chính phủ là nhìn thẳng vào yếu kém, khuyết điểm, phân tích rõ để khắc phục, sửa chữa, làm tốt hơn...”.
                                                  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tạm dừng bán gạo là cần thiết

Liên quan đến tiêu thụ lúa và điều hành xuất khẩu gạo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn, Thủ tướng cho biết, cuối tháng 3-2008, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới vì 3 nhóm lý do.

Thủ tướng khẳng định, việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết, nhằm đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý không bị đẩy giá lên cao góp phần kiềm chế lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống bất trắc, khó lường.

Từ đầu tháng 6, khi tình hình vụ Đông Xuân ở miền Bắc và vụ Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long có triển vọng tốt, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10-11, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được trên 4,5 triệu tấn...

Thủ tướng nhìn nhận: “Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo dựa trên lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt được các yêu cầu đề ra, 6 tháng đầu năm xuất khẩu được trên 2,4 triệu tấn tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ. Ước cả năm xuất khẩu đạt khoảng 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 200.000 tấn so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,8 tỷ USD, giá xuất khẩu đạt trên 600 USD/tấn, gấp đôi năm ngoái, tương đương với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan”.

Từ chối dự án 4-5 tỷ USD vì lo ô nhiễm

Liên quan tới ô nhiễm môi trường, vấn đề “nóng” tại diễn đàn Quốc hội kỳ này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu câu hỏi với Thủ tướng: “Xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đời sống của người lao động, Chính phủ sẽ hành động như thế nào để giữ được môi trường song cũng đảm bảo được an sinh xã hội, phát triển kinh tế?”.

Thủ tướng trả lời ngay: “Phải có chương trình, kế hoạch xử lý cương quyết, dứt điểm doanh nghiệp đang gây ô nhiễm. Song cũng cần có thời gian, vừa xử lý đúng pháp luật về môi trường, đạt yêu cầu về môi trường nhưng cũng phải chọn giải pháp có lợi nhất”. Về giải pháp ngăn chặn những trường hợp mới phát sinh, người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Không vì lợi ích trước mắt mà dễ dãi với môi trường. Chính phủ mới từ chối dự án 4-5 tỷ USD đầu tư vào ngành thép vì vấn đề môi trường”.

Cũng trong phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, một số đại biểu tập trung nêu câu hỏi về khả năng dự báo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) hỏi: “Tôi thấy trong công tác dự báo cũng như phối hợp giữa các Bộ, ngành nhiều lúc chưa thật chặt chẽ và chuẩn xác. Thủ tướng có giải pháp nào để tăng hiệu quả của công tác dự báo, dự đoán?”.

Thủ tướng trả lời: “Dự báo, phân tích tình hình so với yêu cầu còn phải cố gắng nhiều hơn. Dự báo kém thì điều hành cũng chậm, không kịp thời hoặc lúng túng. Chính phủ đã yêu cầu các Bộ rà soát lại để tăng cường công tác dự báo. Thể chế chưa đủ thì phải hoàn thiện. Đồng thời bố trí đúng cán bộ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để dự báo tốt hơn...”.

Trách nhiệm “nhạc trưởng”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về trách của Thủ tướng Chính phủ khi các Bộ trưởng có lỗi, Thủ tướng nói: “Thủ tướng là người đứng đầu. Thành viên Chính phủ làm chưa tốt thì Thủ tướng cũng có trách nhiệm. Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của mình. Ngay trong báo cáo trước Quốc hội, chúng tôi nêu 7 nhóm tồn tại, yếu kém, khuyết điểm trong đó có phần trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Thái độ của Chính phủ là nhìn thẳng vào yếu kém, khuyết điểm, phân tích rõ để khắc phục, sửa chữa, làm tốt hơn...”.

Trả lời chất vấn của đại biểu về cải cách hành chính, Thủ tướng cho rằng, chưa đạt so với yêu cầu, cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công chức. Đề cập tới công tác cán bộ khi đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu câu hỏi: “Biện pháp mạnh để tăng kỷ cương hành chính, giảm nạn công chức, cán bộ sách nhiễu dân”, Thủ tướng khẳng định: “Không thể chấp nhận cán bộ có tiêu cực. Chính phủ đang làm rất quyết liệt vấn đề này. Người nào, cá nhân nào tiêu cực, nhũng nhiễu thì phải xử lý”. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, liên tục tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm.

Trước câu hỏi của một số đại biểu về cải thiện và tăng chất lượng, hiệu quả đầu tư của các tập đoàn kinh tế, Thủ tướng lấy ví dụ: “Lợi nhuận của ngành điện ở mức thấp. Vì sao thấp như thế? Đó là vì giá thành, giá bán như thế, ngân sách không đưa ra bù lỗ, ngành điện phải bù chéo, lấy chỗ bán cao để bù cho chỗ bán thấp”.

Thủ tướng nhận định: “Nói các thành phần kinh tế khác đầu tư nhưng không dễ chút nào. Tới nay, mới chỉ có 2 dự án điện đầu tư BOT còn tất cả đều dừng lại vì họ luôn đòi giá bán điện cao, chúng ta không mua. Bây giờ đang xử lý làm sao để tăng giá điện một cách hợp lý, đảm bảo được giá thành có lãi định mức nhất định, khuyến khích các thành phần khác đầu tư”.

Liên quan tới câu hỏi “bao giờ chấm dứt độc quyền của ngành điện”, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề án tách sản xuất và truyền tải phân phối nhưng Nhà nước phải giữ quyền phân phối và bán điện”.

Chính Trung

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Chất vấn có tính tranh luận

“307 chất vấn bằng văn bản của 131 vị đại biểu thuộc 50 đoàn và 129 lượt ý kiến chất vấn trao đổi tại hội trường đã nói lên quy mô của cuộc chất vấn lần này. Có lẽ số lượng chưa bao giờ nhiều như vậy. Nội dung chất vấn đã đề cập đến những vấn đề thời sự bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, đã phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cử tri của cả nước, mang tầm chỉ đạo vĩ mô. Nó sẽ có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực trong thời gian tới.

Không khí chất vấn và trả lời chất vấn thật sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm. Hỏi và trả lời nói chung đã đi vào đúng trọng tâm, ngắn gọn, có trao đi đổi lại, có tranh luận liên tục, có sự tham gia của nhiều vị Bộ trưởng vào cùng một vấn đề, có cọ sát, tranh luận...”.

Việc cần làm ngay sau chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):

“Xử lý sau khi nhận trách nhiệm mới là quan trọng”

Nói chung chất vấn kỳ này có sự đổi mới, theo chủ tọa điều hành nên tập trung từng nhóm vấn đề, không tản mạn. Một số  Bộ trưởng trả lời thẳng thắn đi vào trọng tâm nhưng còn có Bộ trưởng trả lời vòng vo chưa thấy trách nhiệm cao. Theo tôi, việc nhận trách nhiệm của các Bộ trưởng là vấn đề tốt, nhưng vấn đề là xử lý sau khi nhận trách nhiệm đó mới là quan trọng.

Tôi cho rằng, sau khi chất vấn xong, thư ký kỳ họp phải tổng hợp tất cả những văn bản trả lời của các vị Bộ trưởng kể cả của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó trong quá trình thực hiện, 6 tháng, hoặc một năm phải có đánh giá lại và báo cáo đến Quốc hội việc nào làm được, việc nào chưa được, và làm rõ nguyên nhân vì sao.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):

“Thành lập lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh để dự báo”

Kỳ họp nào tôi cũng thấy nói khả năng dự báo của Chính phủ yếu. Vậy sẽ xử lý cái yếu đó như thế nào. Trong Chính phủ mà cứ để khả năng dự báo yếu làm sao mà điều hành được. Như việc dự báo về sản lượng, nếu nói dự báo là  50% được mùa, 50% mất mùa tôi thấy như vậy là chưa thỏa đáng, dự báo như vậy thì không cần phải dự báo.

Tôi không dám nói là lực lượng dự báo cho Chính phủ hiện nay là yếu kém nhưng khi chất vấn tự các Bộ trưởng cũng đã nhận khuyết điểm là khả năng dự báo chưa chính xác. Chính vì vậy tôi đề xuất với Chính phủ phải thành lập lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh để xử lý kịp thời, linh hoạt, nhạy bén những cái mà chúng ta xoay trở chậm chạp vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh):

“Tiếp tục giám sát lời hứa của các Bộ trưởng”

Sau chất vấn có những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, hoặc có nhìn nhận trách nhiệm cụ thể thì Quốc hội nên có nghị quyết nêu rõ trách nhiệm sắp tới của Bộ trưởng như thế nào.

Tôi cho rằng hậu giám sát rất quan trọng, buộc các Bộ trưởng phải nhìn nhận lại vấn đề mà mình đã hứa với Quốc hội, từ đó phải có giải pháp hết sức cụ thể và phải xem đó là những lời hứa đầy tâm huyết của mình trước cử tri và qua đó Quốc hội sẽ giám sát xem sau khi chất vấn xong thì các vị đó sẽ làm gì chứ không phải chỉ nhận trách nhiệm rồi thôi.

Tôi thấy đó là vấn đề rất quan trọng mà thời gian vừa qua làm chưa tốt.  Quốc hội một năm có hai kỳ họp nên việc giám sát của Quốc hội cũng không có được những điều kiện nhất định, chính vì vậy các ủy ban của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội phải vào cuộc ngay khi kỳ họp kết thúc, tức là phải tiếp tục giám sát lời hứa của các Bộ trưởng sau khi kết thúc chấn vấn tại các kỳ họp.

Hương Bình (Ghi)