Vỡ tử cung do mang thai tại vết mổ cũ
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã phải phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ cấp cứu thành công cho một bà mẹ bị vỡ tử cung do có thai tại vết mổ đẻ cũ. Bệnh nhân tên H, 30 tuổi, nhà ở Đông Anh (Hà Nội). Chị H có tiền sử mổ đẻ trước đó 3 năm. Chị H được chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng đau bụng dữ dội, biểu hiện lâm sàng mất máu cấp, bắt đầu rơi vào trạng thái sốc. Siêu âm cấp cứu phát hiện chị bị chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, nguyên nhân do vỡ tử cung vì có thai 14 tuần tại sẹo mổ đẻ cũ. Kíp mổ cấp cứu cho chị H gồm 8 bác sĩ của cả hai Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ca mổ kéo dài gần 4 tiếng, truyền tới 2 lít máu, các bác sĩ phải cầm máu bằng cách thắt động mạch tử cung hai bên, khâu cầm máu tại đường vỡ để bảo tồn tử cung…
Hiện nay có hai phương pháp để mổ cấp cứu các trường hợp chửa tại vết mổ đẻ cũ, đó là truyền hóa chất để hủy thai, can thiệp phá thai dưới hướng dẫn của siêu âm. Tuy nhiên, nếu xử trí theo hướng hút thai thì nguy cơ chảy máu không cầm nổi, trường hợp phẫu thuật cũng có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung. Vì vậy để tránh cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung, thì nút mạch là giải pháp tối ưu, có thể tiến hành gắp thai an toàn, bảo tồn toàn bộ tử cung thai phụ sau đó. Kỹ thuật còn được áp dụng cho cả các trường hợp chảy máu sau đẻ, rau cài răng lược, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung...
Tiến sĩ Bùi Văn Giang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, người trực tiếp làm thủ thuật can thiệp nút mạch cũng cho biết: Ngay trong tháng 1, khoa Chẩn đoán hình ảnh đã phải phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội điều trị cho 2 trường hợp có thai tại vết mổ đẻ, nguy cơ gây vỡ tử cung. Theo một thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ năm 2008-2012, số trường hợp bị chửa tại vết mổ đẻ cũ lên tới 151 ca. Những người có nguy cơ bị chửa tại vết mổ đẻ cũ là bất kỳ ai đã từng một lần sinh con bằng phương pháp mổ.
Lạm dụng mổ đẻ
Hiện nay, việc mổ đẻ đang có xu hướng bị lạm dụng. Nếu như trên thế giới, chỉ có 15% sản phụ được chỉ định mổ lấy thai thì ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện là 40%-60%. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, theo thống kê năm 2012 có hơn 45.900 ca đẻ, trên 50% trong đó là sinh mổ. Đây cũng là bệnh viện nằm trong “top đầu” các bệnh viện có tỷ lệ mổ lấy thai lớn nhất cả nước. Theo nghiên cứu mới đây của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TƯ và Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mổ lấy thai ở nước ta đang có xu hướng tăng dần. Hiện, tỷ lệ này ở Bệnh viện Phụ sản TƯ là gần 41%. Trong số 423 bà mẹ (ở hai quận Hoàn Kiếm, Gia Lâm) tham gia nghiên cứu, có 30,3% bà mẹ mổ lấy thai, trong đó, 14% muốn mổ lấy thai để chọn được ngày, giờ sinh tốt cho đứa trẻ và 16,7% là do chịu sự tác động từ phía gia đình... Tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, cứ 100 người sinh thì có trên 35 người mổ. Trong đó, gần 4% trường hợp được mổ theo yêu cầu, nghĩa là mổ lấy thai theo ý muốn của gia đình sản phụ, mặc dù thai nhi vẫn phát triển bình thường (khác với các trường hợp mổ can thiệp trước hoặc trong khi chuyển dạ để tránh tai biến khi sinh). Nhiều người còn tìm đến các bệnh viện tư để được mổ đẻ.
Bên cạnh đó không loại trừ nguyên nhân bác sĩ thích… mổ đẻ. Đối với nhiều bác sĩ, mổ đẻ được xem là một giải pháp an toàn, giúp họ tránh những rắc rối có thể xảy ra. Có những tai biến chỉ xuất hiện khi chuyển dạ như sa dây rốn, tim thai yếu, thuyên tắc ối. Vì vậy, việc sinh đẻ tự nhiên có nguy cơ gây bất lợi cho nhân viên y tế nếu việc tư vấn và theo dõi sản phụ chưa được thực hiện sát sao. Tuy nhiên, nhìn chung các bác sĩ vẫn khuyên sản phụ chỉ nên sinh mổ trong các trường hợp bị chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa như: sản phụ không thể đẻ được đường dưới do khung chậu người mẹ, thai to, ngôi bất thường, mổ đẻ cũ, rau tiền đạo, nhau bong non, các bệnh nặng của mẹ... để tránh những hậu quả xảy ra sau này.