Lại ám ảnh lạm phát

ANTĐ - Trong hai tháng đầu năm nay, lạm phát đang có xu hướng quay trở lại, lãi suất cho vay còn ở mức cao gây khó khăn cho cả sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định như vậy khi đưa ra con số chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,38% so với tháng 12-2011 và tăng 16,44% so với tháng 2-2011, bình quân hai tháng đầu năm tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt theo báo cáo của Hà Nội và TP.HCM, số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, hai nhóm hàng tăng cao nhất là thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, trong hai tháng qua thành phố cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 1.738 doanh nghiệp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký kinh doanh là 80.975 tỷ đồng, giảm 36%. Đáng lo ngại là số doanh nghiệp ngừng hoạt động, xin giải thể và bị xóa sổ tăng gấp 4,3% so với cùng kỳ năm 2011. Theo thông lệ, mở đầu một năm mới, ít khi doanh nghiệp xin giải thể. Diễn biến trong 2 tháng qua chứng tỏ sức ép của thị trường rất lớn đẩy nhiều doanh nghiệp đến “chân tường”.

Tiếng nói từ phía doanh nghiệp cho rằng, với doanh nghiệp hiện nay thì an toàn nhất là… không làm gì cả. Khi giá đầu vào như điện, xăng dầu… được điều chỉnh thì chắc chắn doanh nghiệp càng lao đao hơn. Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp tiếp tục vay với lãi suất hiện nay thì chỉ có lỗ to. Trong hai tháng qua tiến độ đăng ký mới của doanh nghiệp thấp hơn mọi năm. Trung bình trong một ngày có tới 2-3 doanh nghiệp xin được giải thể. Đến nay, con số giải thể lên đến hơn 300, dự đoán số lượng có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trước những câu hỏi về lãi suất, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, lãi suất hiện đang tương đối cao so với nền kinh tế, nhưng trong điều kiện lạm phát còn cao và có khả năng “tái phát” đồng thời còn tiềm ẩn các yếu tố bất định từ bên ngoài, thì vẫn phải ưu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặt bằng lạm phát hiện có giảm so với năm 2011, song so với cùng kỳ vẫn cao tới 16-17%. Vấn đề gây nhiều tranh luận hiện nay là giải “bài toán” lạm phát và phải làm gì để quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”? Theo phân tích của giới chuyên gia, một trong những yếu tố đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian qua, không thể bỏ qua giá xăng dầu. Không chỉ Lào, Campuchia, Singapore cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa nhưng họ không bị lạm phát cao.

Do đó, một chuyên gia có uy tín cho rằng, “thủ phạm” chính gây lạm phát cao là đầu tư công. Ổn định kinh tế vĩ mô bền vững là yêu cầu cấp bách, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để tái cấu trúc nền kinh tế cũng như doanh nghiệp nhà nước. Nguyên Bộ trưởng Thương mại nhận định, lựa chọn chính sách đầu tư trước hết phải tính toán, cân nhắc lạm phát và thanh khoản, sau đó mới đến lạm phát và tăng trưởng. Vì vậy, giải quyết thanh khoản là nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của chính sách tiền tệ. Để kiềm chế lạm phát, ông đề xuất nên tăng cung tiền để đảm bảo thanh khoản bằng cách giãn rộng thời gian tái cấp vốn, giúp doanh nghiệp có thời gian quay vòng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mặt khác Ngân hàng Nhà nước cần mua lại những ngân hàng mất thanh khoản để ngăn chặn nợ xấu “lây lan” sang ngân hàng mạnh.

Trước nỗi ám ảnh lạm phát quay trở lại, nhiều ý kiến đồng tình nhận xét, tình hình hiện nay đòi hỏi phải thúc đẩy nhanh tái cấu trúc ba lĩnh vực. Song, nếu chỉ dừng lại ở mức độ tái cấu trúc cấp bộ thì quá trình này có thể kéo dài và kết quả khó triệt để. Nếu không có đột phá về tư duy thì hiệu quả kém tích cực, thậm chí còn ngược lại.