“Lá chắn” cho Trái đất

ANTĐ - Quan chức cấp cao Chính phủ Nga đề xuất thế giới nên chung tay xây dựng tấm “lá chắn” bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta sau vụ nổ thiên thạch cực mạnh khiến hơn 1.000 người bị thương ở nước này.

Thiên thạch là mối hiểm họa khôn lường với sự sống trên Trái đất

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 16-2 đã đưa ra đề xuất xây dựng một hệ thống phòng vệ chung Trái đất nhằm đối phó với những mối đe dọa từ vũ trụ. Đề xuất này được ông Rogozin đưa ra chỉ 1 ngày sau khi xảy ra vụ nổ thiên thạch trên bầu trời khu vực Chelyabin thuộc khu vực Urals, nằm ở miền Trung nước Nga làm 1.200 người bị thương và hư hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng.

Viết trên mạng xã hội Twitter, Phó Thủ tướng Rogozin cho rằng, nhân loại cần phải xây dựng “một hệ thống nhằm phát hiện và vô hiệu hóa những vật thể gây nguy hiểm cho Trái đất”. Ông cũng đồng thời cho biết sẽ đề xuất với Thủ tướng Dmitry Medvedev về cách thức ứng phó với những hiện tượng tương tự trong tương lai.

Sự kiện thiên thạch nổ trên bầu trời khu vực Chelyabinsk thực sự đã gây chấn động nước Nga và cả thế giới. Cho dù không lao thẳng xuống mặt đất nhưng vụ nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất của thiên thạch có đường kính gần 15 mét, nặng khoảng 7.000 tấn và lao vào bầu khí quyển với vận tốc khoảng 64.000 km/giờ đã tạo ra sức công phá khoảng 300 kiloton, tức là mạnh gấp hàng chục lần các quả bom nguyên tử ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

Rất may là thiên thạch đã phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất nên đã giảm thiểu mức độ tàn phá của nó. Song dù vậy những mảnh vỡ thiên thạch đã gây thiệt hại đáng kể. Điều đáng nói là vụ nổ thiên thạch không hề được một thiết bị quan trắc hiện đại nào trên Trái đất, kể cả Nga và Mỹ, phát hiện trước. Bởi thế, vụ nổ thiên thạch ngày 15-2 trên bầu trời Chelyabinsk một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về hiểm họa khôn lường mà các mảnh thiên thạch, vốn vô cùng nhiều trong vũ trụ, đối với Trái đất. 

Lo ngại trên càng có sơ sở khi Trái đất đã hứng chịu nhiều thảm họa do thiên thạch gây ra, trong đó điển hình là thảm họa đã làm tuyệt chủng loài khủng long cách đây 65 triệu năm. Đó cũng là lý do để nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và lên kế hoạch ứng phó với thảm họa tương tự trong tương lai.

Nhiều trạm quan trắc với những thiết bị quan sát, radar mạnh… đã được xây dựng để phát hiện, theo dõi các vật thể vũ trụ, tiểu hành tinh và thiên thạch, đánh giá mức độ mạo hiểm và dự đoán khả năng rủi ro khi vật thể vũ trụ va chạm với Trái đất. Đi đôi với đó là các biện pháp ứng phó như chế tạo tên lửa hạt nhân phá hủy hay làm lệch đường đi của các vật thể vũ trụ có thể gây nguy hiểm cho Trái đất…

Hiểm họa thiên thạch là hiểm họa chung với sự sống trên Trái đất và vì thế nó rất cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.