“Ký ức Hà Nội”
(ANTĐ) - Mùa thu Hà Nội lần này, NSNA Hữu Cấy lại trở về với Thủ đô thân yêu nhưng hành trang của ông không còn nhẹ bẫng như mọi lần mà đó là một sự chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày và lỉnh kỉnh những thước phim ảnh cho một cuộc triển lãm ảnh sẽ được ra mắt công chúng vào ngày 14-8 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền.
Em bé yêu hòa bình |
Hà Nội-một thời đã qua
Những giọt nước mắt ứa ra khi ai đó hỏi ông về Hà Nội. Tuy xa Hà Nội đã lâu ngày nhưng tình cảm ông dành cho Hà Nội lúc nào cũng đau đáu, cũng thân thương. Mỗi lần trở về Hà Nội là một lần ông được trở về với những ký ức xa xưa, nơi ông có thể hiểu và yêu nó bằng cách của riêng mình. Chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, ông thấy thật bùi ngùi, xúc động khi những nét xưa của Hà Nội đã dần biến mất để nhường chỗ cho cái mới, cho sự phát triển của một thành phố năng động.
Đi dạo qua con phố Lý Thường Kiệt, ông thấy bâng khuâng và lưu luyến về hình ảnh của một con phố với hàng cây cơm nguội thật đẹp hai bên đường mà giờ đây đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những tòa nhà cao tầng mọc lên. Những hình ảnh về một Hà Nội xưa cũ chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người yêu mến Hà Nội và trong những bức ảnh của ông.
Gắn bó với Hà Nội cả một thời trai trẻ nhiệt huyết, sôi sục trong những ngày Hà Nội đạn bom, khói lửa nên mỗi khi nhớ về Hà Nội, ấn tượng về một Hà Nội đau thương và hoang tàn đổ nát vẫn làm ông thấy xót xa và đã có không biết bao nhiêu bức ảnh về Hà Nội một thời bom đạn được ông ghi lại. Vẫn còn đó một Hà Nội thanh bình với tiếng tàu điện leng keng sớm chiều lại gợi nhớ trong ông.
Ông nói: “Ngày đó hăng hái lắm, đi chụp ảnh mà thấy lòng náo nức vô cùng. Cứ một mình với cái xe đạp, đi chụp ảnh khắp nơi để đến bây giờ khi nhìn lại những tấm ảnh ngày ấy, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Các bà các mẹ đi trảy hội đội nón quai thao với trang phục ngày xưa, bây giờ làm gì còn nữa để mà chụp. Còn khung cảnh Hà Nội hồi đấy mới đẹp làm sao, yên bình và thanh tĩnh lắm.
Đường Cổ Nhuế, hai bên bờ cây thưa thớt, chỉ vài ba người qua lại”. Và đã có biết bao hình ảnh về Hà Nội oai hùng đã được ông thu gom lại bằng chiếc máy ảnh cũ kỹ chụp phim 6x9. Những thước phim đó đã được ông lưu giữ cẩn thận, đến nay vẫn còn trong veo như những ngày đầu mới chụp.
Những hình ảnh lần đầu được công bố
Năm tháng đã qua đi nhưng kỷ niệm về một lần được Bác Hồ chọn tác phẩm đăng bưu thiếp tặng các Đảng anh em vào năm 1967 mãi là kỷ niệm theo ông đến suốt cuộc đời. Tác phẩm của ông đã lọt vào một trong 4 bức được Bác chọn. Đó là 2 bức ảnh chụp hoa hồng, một bức hoa sen và một bức hoa cúc. Khi nhìn vào bức ảnh hoa sen, Bác nói ngay: “Hoa sen là loài hoa đặc trưng cho mùa hạ, không ai lại đem đi tặng nhau trong không khí của mùa xuân”.
Còn bức ảnh hoa cúc, Bác lại nhận xét: “Hoa cúc đúng là nở vào mùa xuân nhưng hoa cúc đại đóa là hoa của Trung Quốc”. Nói đến đây, NSNA dừng lại và trong giọng nói của ông toát lên sự ngưỡng mộ, thành kính đối với Bác. Ông nói: “Bác Hồ của chúng ta không chỉ am hiểu sâu sắc các loài hoa mà tình cảm Người dành cho miền Nam lúc nào cũng đau đáu, da diết.
Chỉ là một cành hoa hồng có 2 bông hoa, vậy mà Bác đã liên tưởng tới bông hoa to hơn là miền Bắc XHCN, còn bông hoa nhỏ hơn, mới chỉ chúm chím nở những cánh mong manh là miền Nam chưa được giải phóng”. Bức ảnh này đã được sử dụng làm bưu thiếp một lần nữa vào năm 1969 và cũng sẽ được trưng bày trong triển lãm lần này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy cũng là một trong những nghệ sĩ vinh dự được túc trực 9 ngày bên thi hài Bác trong lễ tang của Người. Đã có biết bao hình ảnh xúc động về tình cảm thương xót mà nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Người được ông ghi lại. Và có một bức ảnh thật cảm động mà ông vẫn còn nhớ như in về hình ảnh đoàn giải phóng quân miền Nam ra viếng Bác.
Một anh bộ đội đã khóc rất to trước linh cữu của Người, vừa khóc vừa xúc động trong nước mắt: “Bác Hồ ơi, Bác đi thật rồi”. Và là một nghệ sĩ với niềm xúc động của riêng cá nhân mình, ông đã nhanh chóng thu nhận hình ảnh này vào ống kính. Sau nhiều năm tháng cất giữ, lần đầu tiên, những bức ảnh về đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được ông công bố trước công chúng.
Là một trong những thành viên sáng lập ra Hội NSNA Việt Nam, triển lãm lần này của ông là tâm niệm của một người nghệ sĩ suốt đời cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng sâu xa là nỗi lòng của một người con Hà Nội muốn dành tặng cho Thủ đô nghìn năm tuổi. Trên 140 bức ảnh đen trắng trong triển lãm lần này sẽ đưa người xem ngược dòng thời gian trở lại với Hà Nội một thời oai hùng, sôi sục khí thế đánh giặc nhưng lại thật trữ tình và đằm thắm trong những phút giây không tiếng súng.
Phạm Thu Hương