Kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988/14-3-2022): Bản anh hùng ca về lòng yêu nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 34 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa máu thịt của chúng ta, vẽ thành “vòng tròn bất tử” trong cuộc chiến không cân sức với đối phương đã mãi đi vào sử sách như bản anh hùng ca về lòng yêu nước.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

“Vòng tròn bất tử” giữa biển khơi

Trong chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 12-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

34 năm trước, ngày 14-3-1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo tư liệu lịch sử, 2 tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Subi, lực lượng của Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 địa danh: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đầu tháng 3-1988, hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa. Nắm được âm mưu của đối phương, tháng 2-1988, quân dân Việt Nam bắt đầu chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền - 1988) với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm giữ vững các đảo đã thể hiện chủ quyền; đồng thời dốc toàn lực đóng giữ các đảo, đá theo đúng kế hoạch, ngăn chặn việc mở rộng phạm vi lấn chiếm của đối phương.

Sáng 14-3-1988, khi các chiến sĩ công binh Việt Nam làm nhiệm vụ trên đá Gạc Ma thì các chiến hạm Trung Quốc xuất hiện. Phía Trung Quốc điều hàng chục lính từ tàu chiến tiến lên đảo, áp sát các chiến sĩ của ta. Trước tình hình nguy cấp như vậy, những người lính công binh vẫn không nao núng, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc đến cùng. Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sĩ của ta, các tàu chiến của Trung Quốc đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của ta, làm tàu HQ 604 bốc cháy và chìm xuống biển. Tại đảo Gạc Ma, trong giờ phút sinh tử, các cán bộ, chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo.

“Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các cán bộ chiến sĩ Hải quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sẵn sàng xả thân bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

34 năm đã trôi qua, sự kiện lịch sử Gạc Ma đã đi vào lịch sử như một minh chứng đầy đủ nhất, rõ nét nhất về phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tổ quốc cũng không bao giờ quên công ơn của các anh. Năm 2017, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vào những ngày tháng ba, Khu tưởng niệm lại đón hàng nghìn người đến viếng thăm. Đến nay, Khu tưởng niệm đã đón hơn 2.350 đoàn với hơn 219.000 lượt người đến viếng, tri ân các anh. Nhiều đơn vị, đoàn thể, trường học đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử… tại khu tưởng niệm.

“Không ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”. Đó chính là lời mà những người dân, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu binh Gạc Ma cùng người thân, bạn bè của các liệt sĩ luôn nhắc tới để nhớ đến sự hy sinh của các anh. Giờ đây, mỗi tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14-3-1988. Hai anh hùng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma là anh hùng Trần Đức Thông và anh hùng Trần Văn Phương đã được tỉnh Khánh Hòa quyết định lấy tên đặt cho 2 con đường mới tại TP Nha Trang. Tháng 3-2021, để tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ đảo Gạc Ma, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng đã dựng mô hình con tàu HQ-604, cùng với danh sách của các liệt sĩ.

Trong nhiều năm qua, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đã vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các liệt sĩ. Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng nhà, xin việc làm cho con em liệt sĩ, đến việc thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Tháng 5-2021, Phanbook và Nhà xuất bản Đà Nẵng đã xuất bản Cuốn sách “Trường Sa 1988-Hồ sơ một sự kiện lịch sử” của nhà nghiên cứu Võ Hà (sinh năm 1984). Dày hơn 500 trang, cuốn sách được chia thành 5 phần: Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; Căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1988; Dư luận thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988; Vì Trường Sa thân yêu và Nơi tuyến đầu Trường Sa.

Không chỉ bổ sung các thông tin, tài liệu về sự kiện lịch sử này; làm rõ hơn các căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại thời điểm năm 1988, cuốn sách còn giúp độc giả trẻ ngày hôm nay tiếp cận lại những tư liệu, những quan điểm chính thống của Việt Nam cách đây hơn 30 năm về biển đảo.

Bài học quý giá trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc

Để có hòa bình, ổn định thực sự trên biển, đảo, không còn một sự lựa chọn nào khác cho dân tộc Việt Nam là phải phấn đấu vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, có đủ nội lực cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, mà trực tiếp là lực lượng trên biển và ven biển. Trong thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, vai trò của ngư dân hết sức quan trọng. Sự hiện diện của ngư dân không chỉ là sự khẳng định chủ quyền lãnh hải, mà ngư dân còn là “tai mắt” cho lực lượng chức năng giữ gìn chủ quyền, bình yên biển đảo. Bởi vậy, để ngư dân yên tâm ra khơi, để mỗi tàu thuyền là “một cột mốc trên biển” góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển bền vững.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng được ưu tiên lên hiện đại sẽ hoàn thành hiện đại; từ năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Là lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Hải quân phấn đấu đến năm 2025 trở thành quân chủng cơ bản hiện đại, có lực lượng tại chỗ và cơ động mạnh, nâng cao khả năng hiện diện, kiểm soát, quản lý chủ quyền trong thời bình và tác chiến phòng thủ, bảo vệ biển, đảo trong thời chiến. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp; dự bị động viên hùng hậu, sẵn sàng huy động khi có tình huống.

Hiện nay, Quân chủng đang tích cực đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”, cân đối, đồng bộ cả về con người, vũ khí, trang bị, cơ sở bảo đảm; có đủ thành phần lực lượng: tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân hải quân, pháo binh - tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và đặc công hải quân. Trong đó, ưu tiên hiện đại hóa phương tiện, vũ khí và các trang bị trinh sát, quan sát, nắm chắc tình hình các vùng biển, nhất là vùng biển xa, vùng biển giáp ranh.

Sự kiện Gạc Ma để lại cho chúng ta bài học quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Đó là bài học cảnh giác, luôn sẵn sàng, kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Là bài học phải thấm đẫm tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước và quê hương, như những người lính đã thể hiện trong trận hải chiến Gạc Ma.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, biển, đảo là phần hương hỏa mà cha ông để lại, là chốn đi về thân thuộc của bà con hàng trăm năm qua. Đặc biệt, với những ngư dân bao đời gắn bó với nghề biển, những vùng biển như Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Tây Nam… là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.