Kỹ năng sinh tồn các bậc cha mẹ cần biết khi nuôi trẻ sống ở chung cư

ANTD.VN - Chỉ trong một thời gian ngắn trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ trẻ em bị tai nạn ở những chung cư cao tầng, theo đó vào ngày 22-4, bé trai 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 11 chung cư VinaHud - Cửu Long (Q. Hai Bà Trưng) xuống mái hiên tầng 1 dẫn đến tử vong, ngày 24-4 bé gái 4 tuổi rơi từ lan can tầng 12 chung Ecohome 1 (Q. Bắc Từ Liêm) xuống sân chung cư dẫn đến tử vong... đã cho thấy kỹ năng sống của một số bậc cha mẹ có con nhỏ tại các khu nhà cao tầng có nhiều vấn đề.

Ông Hoàng Quý, Chuyên gia đào tạo về kỹ năng sinh tồn của các chương trình Trại hè kỹ năng, Học kỳ quân đội, Nếu lạc trong rừng... bày tỏ sự đau lòng khi biết thông tin về 2 vụ việc trên. Theo ông Quý, đó là những em bé vô tội và những tai nạn đáng tiếc trên cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh khi sống cùng trẻ tại các chung cư cao tầng.

Nguy hiểm ở chung cư là một nguy cơ đầy thực tiễn

Ông Quý cho biết, do giá thành hợp lý nên chung cư cao tầng vẫn luôn là lựa chọn của nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi có thu nhập trung bình hoặc thấp, những người dân từ các tỉnh khác đến Hà Nội sinh sống và làm việc, mỗi gia đình như vậy thường có trẻ nhỏ, từ một đến hai cháu.

Ông Hoàng Quý, Chuyên gia đào tạo về kỹ năng sinh tồn

Ngoài một vài chung cư cao cấp, còn lại đa phần các chung cư hiện nay đều tồn tại khá nhiều bất cập như nhỏ, hẹp, thiếu hoặc không có các thiết kế nhằm tăng tính an toàn (như lưới bảo vệ, hệ thống chốt cửa thông minh khiến trẻ không tự mở…), không có lan can hay hành lang bảo vệ… Đa phần các chung cư, phần cửa sổ chỉ là một tấm kính, bên ngoài là khoảng trống mênh mông, do diện tích nhỏ nên cửa cũng sẽ thấp, trẻ 5 tuổi là có thể với lên được, còn nếu kê bàn cạnh cửa sổ như gia đình có trẻ em bị tai nạn ở trên thì 4 tuổi là trèo lên được.

Vị trí được cho là nơi bé trai 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 11 chung cư VinaHud - Cửu Long, khiến phần kính bị vỡ

Do đó khi sinh sống ở khu vực này, ngoài việc phải đối diện với những tai nạn như hai cháu nhỏ nêu trên, ông Quý  cho rằng các hộ dân còn phải đối mặt với những nguy cơ sau:

Thứ nhất nguy cơ trẻ rơi, không những trẻ mà người lớn nếu bất cẩn cũng có thể rơi xuống, chẳng hạn trường hợp say rượu hay gây gổ đánh nhau đều có thể bị rơi khỏi chung cư (với một tấm kính mỏng manh như vậy ông Quý nghĩ nó không đủ an toàn khi chịu một lực lớn).

Lan can hành lang và ngoài ban công của tòa nhà chung cư này chỉ cao hơn 1m, trẻ em có thể kê ghế để leo lên

Thứ hai là cháy nổ, có rất nhiều vụ cháy xảy ra trong những năm qua. Các thiết bị chữa cháy hiện tại chỉ có thể đưa nước đến tầng 15, trong khi số chung cư trên 15 tầng phổ biến ở Hà Nội.

Thứ ba, là nguy cơ gián tiếp: Do mật độ xây dựng bất hợp lý, nên các khu sinh hoạt chung, diện tích cây xanh, khu vui chơi… dành cho cư dân nói chung và trẻ em nói riêng là không có, hoặc ít. Thiếu khu vui chơi cho trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy khác (như trẻ tự chơi ở hành lang chật hẹp, hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn, hoặc nếu không để ý trẻ có thể chui vào thang máy, đi vào cầu thang bộ…).

Không còn cách nào khác, cha mẹ phải tự chủ không gian sống

Để tránh những nguy cơ kể trên, ông Quý khuyên việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là xem xét ngay hệ thống an toàn của căn hộ như cửa, cửa sổ, hành lang. Bên cạnh đó cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để lắp hệ thống lưới hoặc cửa phụ để tăng độ an toàn cho căn hộ, cửa sổ nên lắp cửa thông minh để trẻ không tự mở được, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp có cháy nổ xảy ra. Cửa sổ nên chỉnh cho khít, kéo ra kéo vào đều nặng, tuy hơi bất tiện khi mở và đóng, nhưng an toàn với trẻ.

“Có nhiều căn hộ tôi biết họ thiết kế cửa mở cơ nhiều biên độ tùy theo sải tay, nếu trẻ với cánh tay ngắn chỉ đẩy được mức nhỏ nên không may không kịp để ý cũng không thể rơi”, ông Qúy cho biết.

Bên cạnh việc lắp đặt các hình thức bảo hộ trên, ông Quý còn khuyên các bậc cha mẹ tuyệt đối không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ. Hơn nữa, để có thể phát hiện trẻ chơi ở khu vực của sổ, cha mẹ cần lắp chuông báo động ở khu vực đó để khi trẻ mở chuông sẽ kêu.

Trường hợp, trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được những nguy hiểm sẽ xảy ra khi trẻ lại gần các vị trí cửa sổ, ban công, hành lang thì cha mẹ cần phải luôn luôn coi chừng trẻ cẩn thận. Còn nếu trẻ đã lớn thì cần chỉ dạy cho các cháu hiểu các nguy cơ có thể dẫn đến khi lại gần các vị trí trên.

Hiện trường bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư Ecohome 1 xuống đất (Nguồn: DSVN)

Ông Quý cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đáng tiếc trên là xuất phát từ chính sự bất cẩn của phụ huynh. Do đó, bên cạnh việc thực các biện pháp trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý một vài điểm sau:

Không bao giờ rời mắt khỏi trẻ nhỏ, không để trẻ ở một mình, con trẻ phải luôn luôn trong tầm mắt hay nói rộng hơn là con trẻ phải luôn trong tầm kiểm soát của người lớn. Bởi ngoài nguy cơ rơi từ tầng cao thì còn nhiều nguy cơ khác như ổ điện, nước nóng, đồ vật nguy hiểm khác đều có thể làm hại trẻ.

Nếu trẻ trên sáu tuổi, cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở, giáo dục trẻ về các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn trong căn hộ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách xử lý khi gặp các sự cố như, nếu cháy thì con phải làm gì? Thậm chí là phải nói với các con dấu hiệu nào được coi là cháy hay dẫn đến cháy như: nếu thấy mùi khét, nếu thấy có khói…Nếu có người lạ bấm cửa thì làm gì?

Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều bận đi làm, nếu phải nhờ ông bà trông cháu thì cha mẹ nên dặn dò kỹ càng, đóng lại các cửa sổ, kiểm tra mọi biện pháp an toàn trước khi rời nhà.

Cha mẹ cần hạn chế việc gửi con cho hàng xóm, nếu gửi cần tìm người tin tưởng, khỏe mạnh, minh mẫn và không phải trông đứa trẻ nào khác, bởi trường hợp người được gửi cũng đang trông một đứa trẻ khác thì sẽ có nhiều điều khó nói xảy ra.

Ngoài ra, có một mẹo nhỏ cha mẹ cần lưu tâm trong việc nhờ trông con. “Thường ở các chung cư, phía dưới luôn có trường mầm non, nếu phải đi đâu hãy bế trẻ xuống, gặp người quản lý, trình bày rõ với họ là bạn muốn gửi con một vài giờ, đa phần sẽ không ai từ chối trông con cho bạn. Vì các trường mầm non luôn cho học thử mà, coi như con bạn học thử thôi”, ông Quý chia sẻ.