Kiểu sống "quái lạ" oán trách cả nắng mưa, gió rét

ANTĐ - Bạn chọn cách sống sân hận, oán trách hay vui vẻ, tri ân? Oán trách chẳng mang lại lợi ích gì, ngược lại nó thúc đẩy ta suy nghĩ, làm những việc vô ích, gây hại cho thân tâm mình, cho người thân và gây bất ổn cho xã hội.

Người hãng xóm của gia đình tôi trước đây khó tính lắm. Những ngày trời nắng nóng, họ luôn miệng trách: trời gì mà nóng thế, nóng như đốt da đốt thịt. Trời mưa họ cũng trách: mưa gì mà mưa đến thối đất thối cát, rét cũng trách, gió cũng trách. Với bà con lối xóm họ cũng cảm thấy khó chịu, hay chê bai. Với họ, từ thiên nhiên đến con người hình như chẳng có gì để phải cảm ơn, họ chỉ biết chê và trách.

Tâm an vui thì gặp mưa là niềm vui lớn...

Chính vì thế ta cần chế ngự tâm oán trách bằng cách nuôi dưỡng lòng cảm ơn. Ta nên biết tri ân muôn cảnh, muôn sự xung quanh ta. Ta tri ân trời nóng giúp ta cảm nhận được vị ngon và mát lạnh của ly kem hay cốc nước mát lành, ta tri ân người làm ra cây kem mát. Ta tri ân trời mưa gột rửa được những cơn nóng giận trong đầu ta. Ta tri ân trời lạnh, trời rét để ta cảm nhận được hơi ấm, tình thương của những người trong gia đình, của những người xung quanh ta. Cũng nhờ những cơn gió lạnh, ta cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ đã thức cả đêm để đan cho ta cái mũ len hay đôi găng tay…

Dưới góc nhìn nhà Phật, sinh ra trên cuộc đời này tức là ta đã có phước báu, được là người lành lặn, được sự yêu thương của gia đình, được sinh nơi có sự yên bình không chiến tranh, không đói khát không tù tội… là ta đã có phước báu; được một cuộc sống yêu thương giữa người với người, không thù hận, là ta đã có phước báu; được hít thở không khí trong lành, có thiên nhiên, chim muông hát ca… là ta đã có phước báu... Nhưng chúng ta thường không bằng lòng với mình. Ta luôn mong cầu Trời Phật ban thêm thật nhiều phước, nhưng lại không hay, không tìm hiểu xem phước đó từ đâu mà ra, ta làm gì để có được phước đó, ta cần làm làm gì để phước đó không bị mất đi, đồng thời sinh ra, tăng trưởng mãi không ngừng.

Một mình trong mưa tuyết lạnh giá

Ta cũng rất dễ khởi lòng ghen ghét một ai có phước báu hơn mình. Dù không thừa nhận, nhưng ta vẫn có chút gờn gợt trong tâm, mà không cầu cho họ có thêm phước báu, lan toả phước báu, làm lợi lạc cho người khác. Ta cứ đi tìm, cầu xin, tham lam, đố kị, oán hờn mà không hay ta đang sống giữa bao phước báu.

Tại sao nhỉ? Tại sao ta phải sống vậy, sao không thay đó bằng sự yêu thương, chia sẻ, hoan hỷ, nghĩ về người khác nhỉ? Tại sao ta không cảm ơn những gì ta có ngày hôm nay? Tại sao ta không cảm ơn những gì cho ta ngày hôm nay, ta biết ơn những gì?... Ta sống với lòng hoan hỷ, biết ơn mọi người mọi vật mọi điều có được trong cuộc sống này, vậy là ta đã có phước báu. Phước báu không tự sinh ra hay mất đi, mà nó như vũng nước đọng trong ao tù, hay lan toả ra sông, ra biển khơi mênh mông là tuỳ thuộc vào chính bản thân ta.

Chia sẻ yêu thương...


Đời sống của chúng ta không thể tách khỏi quần thể xã hội, muôn cảnh, muôn sự, muôn vật… đều là ân nhân. Luôn biết cảm ơn thì nhất định ta sẽ sống từng ngày trong hạnh phúc. Tôi có đọc một câu trong bộ sách ứng dụng Phật Pháp: Tâm sinh thì muôn vật sinh, tâm diệt thì muôn vật diệt, nếu bạn nuôi dưỡng lòng tri ân, biết đủ thì cuộc đời bạn tự nhiên cũng vẹn toàn.

Điều này không dễ làm, nhưng cũng không phải là quá khó. Đơn giản chỉ là sống chậm lại một chút. Trước khi làm bất cứ việc gì, hãy nghĩ đến kết quả và hậu quả!

Thế là đủ!

Vì sao? Vì bạn làm thế nào, sẽ ra thế ấy, vì bạn gieo nhân nào, sẽ gặt quả ấy mà thôi. Không khác được!