Kiên quyết thực hiện phân luồng đường Hồ Chí Minh

ANTĐ - Phân luồng xe khách từ đoạn Hà Nội - Vinh chạy đường Hồ Chí Minh thay vì QL1 như trước kia đang đứng trước những quan điểm trái chiều. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện, song, đại diện nhiều Sở GTVT lại cho rằng, khó triển khai.

Đường Hồ Chí Minh chưa khai thác hết hiệu quả

Hàng nghìn lý do kêu hoãn

Đã qua 10 ngày kể từ khi quyết định phân luồng của TCĐB có hiệu lực, đến nay, nhiều Sở GTVT cũng như doanh nghiệp khai thác vận tải đều cho rằng, rất khó để thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 149 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, xuất phát từ 4 bến Nước Ngầm, Mỹ Đình, Giáp Bát và Yên Nghĩa, trong đó chủ yếu từ bến Nước Ngầm và bến Yên Nghĩa. Tuy nhiên, để chọn lựa 30% số DN đang hoạt động để đưa sang chạy tuyến Hồ Chí Minh là rất khó, vì có DN chỉ chạy 1 chuyến/ngày, có những DN lại chạy 15-20 chuyến/ngày. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất, trước hết, giai đoạn 1, sẽ chuyển toàn bộ hoạt động của các xe chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An từ bến Mỹ Đình và bến Yên Nghĩa sẽ đi theo Đại lộ Thăng Long rồi ra đường Hồ Chí Minh. “Tuy nhiên, Hà Nội chỉ có thể quản lý được các xe đi từ bến ra Đại lộ Thăng Long nhập vào đường Hồ Chí Minh. Còn, từ đường Hồ Chí Minh trở đi, do Bộ GTVT quản lý, nên Hà Nội cũng chỉ tổ chức được như phương án trên”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho ý kiến.

Ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Đà Nẵng nêu khó khăn, theo chỉ đạo của TCĐB, các sở sẽ phải lựa chọn 30% trong số các DN chạy tuyến đường dài từ 300-1.000km để đi đường Hồ Chí Minh, nhưng phía sở không thể làm được như vậy. “Làm như vậy tạo thành cơ chế xin cho, các DN lại ganh tị nhau, gây rối rắm, khó khăn cho địa phương. Nếu đã thực hiện, thì chuyển 100% hoặc là tìm phương án khác”. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ trên đường Hồ Chí Minh còn thiếu, nguy hiểm cho các xe chạy ban đêm, khi có tai nạn xảy ra, hoặc hành khách ốm đau cần cấp cứu không có dịch vụ.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho rằng, chắc chắn các DN nằm trong diện bị điều chuyển sẽ không mặn mà, như vậy, thì khó để điều chuyển thực hiện. Hơn nữa, chạy xe trên đường Hồ Chí Minh theo ông Quyết nguy cơ tai nạn rất cao do mặt đường hẹp, lại mới đưa vào khai thác nên ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn kém, là đường độc đạo lại có nhiều đường đất kết nối vào, nên trời mưa, tuyến đường này rất trơn, nguy hiểm cho đi lại, đặc biệt vào ban đêm.

Cần thêm thời gian

Tuy nhiên, sự kêu khó của các Sở GTVT không nhận được sự đồng tình của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ông Liên cho rằng, bản thân hiệp hội đã đi khảo sát QL1 và đường Hồ Chí Minh cho thấy, hiện QL1 đang được đẩy mạnh cải tạo nên cần thiết phải giảm tải. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào khai thác thì phải sử dụng, để như hiện nay là lãng phí. Còn về dịch vụ, cứu hộ cũng như trạm xăng dầu, ông Liên cho rằng, khi tuyến đường tăng lượng lưu thông thì hệ thống dịch vụ sẽ tự hoàn thiện dần. Tuy nhiên, TCĐB cần cho các sở cũng như các DN vận tải thời gian, lộ trình, tính toán khoa học để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, chủ trương chuyển xe khách sang đi tuyến Hồ Chí Minh đã có từ 5-6 năm nay, song do thiếu kiên quyết nên đến nay mới thực hiện được. Hiện, tuyến QL1 đã quá  tải, lại phải tập trung duy tu nên càng tắc nghẽn, trong khi đó, đường Hồ Chí Minh theo tiến độ, đến năm 2015 sẽ mở rộng 4 làn đường. “Hành trình của xe khách đã được quy định, xe chỉ được đón, trả khách ở hai đầu bến, và các điểm đã đăng ký, không được bắt khách dọc đường. Bởi vậy, lý do các sở GTVT và các DN vận tải đưa ra không hợp lý, vì bắt khách dọc đường không được cho phép. Bộ GTVT sẽ quyết tâm thực hiện quyết định này”, ông Đông nhấn mạnh.