Kịch bản kinh tế

ANTĐ - Sau khi Chính phủ đã phân tích và đánh giá về những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại có góc nhìn cả về bề nổi lẫn bề chìm của lạm phát với những ảnh hưởng làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và suy giảm mức sống của người dân. Ủy ban đưa ra khuyến cáo “nền kinh tế bộc lộ khó khăn ngày càng nghiêm trọng và sâu sắc hơn”, đồng thời ủy ban cho rằng, lạm phát không có nguyên nhân nào là chính, nổi bật.

Vậy thì bề nổi, bề chìm của lạm phát cao trong thời gian qua là gì? Ủy ban Kinh tế chỉ rõ lạm phát tăng cao trong năm 2011, một phần là do chi phí đẩy của giá hàng hóa thế giới tăng đột biến. Đặc biệt, lạm phát tăng mạnh trong những tháng đầu năm còn do việc tăng giá nhiều mặt hàng cùng lúc, như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu. Nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của tình trạng lạm phát tăng cao bao gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp; cơ cấu kinh tế kém hiệu quả dẫn đến việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội chưa đạt hiệu quả tốt.

Ứng phó của Chính phủ với cả bề chìm, bề nổi theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế: “Các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cắt giảm đầu tư công chưa nhiều chủ yếu là điều chuyển vốn đầu tư giữa các dự án. Gần đây, xuất hiện diễn biến phức tạp thị trường vàng, ngoại hối nhưng chưa có giải pháp  hữu hiệu”. Ủy ban Kinh tế kết luận, hậu quả là tính cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp bị suy giảm sau nhiều năm “vật vã” chống chọi với lạm phát và lãi suất cao, thu nhập và mức sống thực tế của nhân dân bị ảnh hưởng lớn. Đáng lo ngại hơn là sự suy giảm lòng tin của thị trường và lòng tin của người dân vào môi trường chính sách cũng như năng lực quản lý vĩ mô của Nhà nước. Ủy ban kiến nghị “năm 2012 phải kiểm soát bằng được chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số”.

Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết Chính phủ lựa chon kịch bản tăng trưởng kinh tế thấp hơn, “xấu” hơn cho năm 2012 là GDP tăng 6% so với năm 2011 và CPI tăng dưới 10%. Nhưng trong giai đoạn 2011-2015 là kịch bản tốt hơn, “đẹp” hơn với GDP năm 2015 tăng khoảng 7% và CPI tăng khoảng 5%. Ngay cả khi Chính phủ chủ động lựa chọn kịch bản “xấu” cho năm 2012 với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thì ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn dự đoán tình hình khó “đẹp” lên. Năm 2011, dự kiến CPI tăng lên tới 18%, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, làm cách nào để “kéo” tụt chỉ số này xuống 10% trong năm 2012?

Lựa chọn kịch bản kinh tế “xấu” hay “đẹp” đương nhiên không phải là một việc đơn giản và dễ làm. Kinh tế không phải là một “vở diễn” theo sự chỉ đạo của một đạo diễn dù tài năng xuất chúng. Vì thế, Chính phủ đã khẳng định, mục tiêu điều hành trước mắt là “ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách kinh tế vĩ mô”.