Không thể vô tư "xóa bỏ" di tích lịch sử cầu Long Biên

ANTĐ - Văn bản lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc di dời 9 nhịp cầu Long Biên để bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ đang làm dấy lên luồng dư luận phản đối. Số phận của cây cầu lịch sử - biểu tưởng của Hà Nội nghìn năm văn hiến một lần nữa lại bị đưa lên bàn cân.

Xóa cầu Long Biên - khác gì xóa bỏ ký ức

Còn nhớ cách đây gần l0 năm, khi cây cầu Long Biên bị xuống cấp, nhiều người đã cho rằng nó hết hạn sử dụng và định cưa ra bán sắt vụn. Lần đó, mọi người đã phản đối ầm ĩ. Hồn vía của Hà Nội là ở cây cầu Long Biên, ở Hồ Gươm, Hồ Tây và phố cổ. Hồ Tây, phố cổ đã không còn nguyên vẹn. Mất cầu Long Biên, Hà Nội còn gì.

Theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các Bộ liên quan và UBND TP Hà Nội về phương án xây dựng cầu đường sắt Long Biên cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Phương án mà họ cho là tối ưu và cũng để đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên là làm cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại. Di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng nguồn để bảo tồn với chi phí khoảng gần 8 nghìn tỷ. Ngoài ra Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra hai phương án khác, nhưng mấu chốt vẫn là xây dựng một chiếc cầu mới trên cái cầu cũ và đưa cầu Long Biên cũ trở thành một bảo tàng.

Làm sao đưa cầu Long Biên thành một bảo tàng trong khi nó đang là một di sản sống. Một di sản sống, hãy để nó trong lòng của đời sống, đừng biến thành bảo tàng và đóng khung nó trong nhà kính. Thực tế nhiều năm qua đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cây cầu có lịch sử hàng trăm năm này. Nhưng chắc chắn, không ai chọn phương án phá cây cầu Long Biên để xây dựng một cây cầu mới. Chưa nói đến vấn đề lãng phí tiền của nhà nước. Cây cầu Long Biên là một cây cầu lịch sử; gắn liền như một phần máu thịt của Hà Nội. Nó là chứng nhân cho bao thăng trầm, bao vui buồn của đất nước. Đối với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đã từng đi sơ tán tránh bom Mỹ trút xuống trời Hà Nội mới thấy hết sự thiêng liêng của cầu Long Biên. Hình ảnh cầu Long Biên như một sự trở về thổn thức.

Nói như kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nó là một phần trong tổng thể kiến trúc làm nên vẻ đẹp tinh thần của Hà Nội ngày nay. Cũng cây cầu ấy đã chứng kiến bao mưa bom bão đạn, những ngày gian khó nhất của Hà Nội. Cây cầu như một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Phá bỏ đi, khác gì chúng ta xóa ký ức của mình. Mà con người sống không thể không có ký ức.

Cầu Long Biên - một chứng nhân lịch sử

Theo Giáo sư Hoàng Chương, cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử; một chứng tích của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân Việt Nam anh hùng. "Cầu Long Biên xứng đáng trở thành một bảo tàng sống, thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, thành một điểm sáng văn hóa và du lịch trong tương lai ở Hà Nội". Giáo sư Hoàng Đạo Kính coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc - kỹ thuật có giá trị, cần được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu Long Biên, rất nhiều ý kiến phản đối trước phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Thậm chí nhiều người cho rằng đó là một phương án "điên rồ". Bởi đó không giải đơn chỉ là một cây cầu để giao thương. Nó là văn hóa, là lịch sử. Và khi chúng ta động đến lịch sử rất cần một thái độ tôn trọng quá khứ. Không thể phát triển ồ ạt, phát triển bằng mọi giá. Rất nhiều bài học khi chúng ta động chạm đến lịch sử phá bỏ lịch sử. Và chúng ta đã phải trả những cái giá quá đắt cho việc đua chen chạy theo cái mốt, phát triển ồ ạt theo cái mới, cái hiện đại mà quên đi những giá trị xưa.

Xung quanh vấn đề này, dưới nhiều góc nhìn kiến trúc, lịch sử, văn hóa, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức: Đừng bảo tàng hóa cầu Long Biên - đó là di sản sống

Không thể vô tư "xóa bỏ" di tích lịch sử cầu Long Biên ảnh 2
Cầu Long Biên là một cây cầu lịch sử, đó là một dấu ấn không thể thiếu trong lịch sử phát triển của đô thị Hà Nội. Chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng và bảo tồn cây cầu này như một phần máu thịt của Hà Nội. Những việc di dời hay đưa nó thành bảo tàng như văn bản của Bộ Giao thông vận tải đều đang làm biến dạng di sản của ông cha. Nếu phá đi thì đúng là một hành động quá lạ lẫm ở cái quốc gia này. Một người dân bình thường ở Thủ đô người ta cũng sẽ phản đối chứ chưa nói đến các nhà văn hóa, lịch sử.

Còn vì nhu cầu phát triển của đô thị mà chúng ta cứ nhất quyết xây cầu mới thì cứ xây chỗ khác. Tại sao cứ nhất thiết phải phá bỏ cây cầu này. Chúng ta hãy bảo tồn nguyên trạng, nếu có điều kiện trong thờ gian tới chúng ta bảo tồn lại như cây cầu cũ. Cầu Long Biên được ví như một dải đăng ten vắt qua Hà Nội, làm nên vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội. Hà Nội tự hào vì nó. Vì những giá trị lịch sử của nó đối với sự phát triển của đô thị hàng trăm năm qua. Cây cầu Long Biên là một hình ảnh không thể thiếu để làm nên một Hà Nội đầy bản sắc. Ở đó cũng kiến tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo làm nên vẻ đẹp riêng của đô thị Hà Nội cách đây một thế kỷ cùng với bãi giữa sông Hồng làm nên một quần thể kiến trúc riêng của Hà Nội. Tôi nghĩ, chúng ta bằng mọi cách phải giữ lại.

Cây cầu Long Biên, có thể chỉ cho đi bộ hoặc đi xe đạp để tránh hư hỏng nặng. Phải bảo tồn cây cầu trong một khối hoàn chỉnh từ mấu cầu cho đến những con đường đi bộ lên xuống hai bên. Việc tháo dời, thay đổi đều không có ý nghĩa gì. Còn nếu muốn xây mới thì cứ xây một cây cầu khác nhưng cũng nên quan tâm đến hình thức của cây cầu cho phù hợp với những không gian kiến trúc ở sông Hồng, cầu Long Biện không thể, không nên đưa nó vào thành một bảo tàng mà để nó là một di sản sống. Cây cầu không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội, mà lịch sử xây dựng và phát triển của nó còn có ý nghĩa trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đánh mất nó là đánh mất một di sản mà không gì có thể mua lại được.

Giáo sư sử học Bùi Thiết: Chúng ta đang làm tổn thương lịch sử

Tôi thấy không có lý do gì mà động chạm đến cây cầu Long Biên. Nếu nó xuống cấp thì sửa chữa, bảo tồn. Nó là lịch sử, chứ không phải những thứ khác là lịch sử. Nó là biểu tượng của sự trường tồn của lịch sử chứ không phải là sự thay thế lịch sử. Không những cái cầu này có ý nghĩa lịch sử mà nó vẫn còn dùng được. Tại sao chúng ta lại nghĩ đến chuyện thay thế nó. Đó là một sự xúc phạm lịch sử, làm tổn thương lịch sử.

Tôi nghĩ, trong tâm thức của mỗi người Hà Nội đều gắn liền với hình ảnh cây cầu Long Biên. Hiện tượng này cũng xảy ra rất nhiều trong vấn đề trùng tu di tích và các công trình văn hóa nhiều năm qua ở nước ta. Nhà nhà trùng tụ, người người trùng tu, cứ thay mới, làm mới, Chạy theo cái mới. Nhưng cái mới chả có ý nghĩa gì với lịch sử cả. Cầu Long Biên là một di sản sống, di sản đang hoạt động. Nó cần được bảo tồn và giữ nguyên trạng. Đây là một trong những cây cầu lớn nhất ở khu vực và thế giới do người Pháp xây cách đây 100 năm, muốn để lại di sản cho nghìn đời sau thì chúng ta nhất thiết phải giữ lại nó. Mất cầu Long Biên là coi như mất hồn vía của Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Mất cầu Long Biên, Hà Nội còn gì

Tôi không rành lắm những tính toán về kinh tế, kỹ thuật để xây dựng một cây cầu và thế nào là lãng phí nhưng tôi chỉ có một ao ước là làm sao giữ được cây cầu Long Biên lịch sử này. Nó không thể tách ra khỏi Hà Nội mà đó là một bảo tàng sống - một nhân chứng sống của thế kỷ 20, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những buồn vui, những giây phút khó khăn nhất, gian khố nhất của người dân Hà Nội.

Chính cây cầu Long Biên chứ không phải gì khác trở thành chứng nhân cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử. Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta phá bỏ nó, đưa nó vào bảo tàng, nằm im lìm trong nhà kính, là ta đang cắt bỏ một phần của quá khứ, đóng băng quá khứ. Cây cầu là một chứng nhân lịch sử. Mất nó thì Hà Nội còn lại gì. Người Hà Nội làm sao hình dung nổi về Hà Nội mà không có cây cầu Long Biên. Tôi thấy chúng ta bỏ cây cầu Long Biên như cắt đi phần hồn cốt cửa Hà Nội, Bởi nó là di sản, là văn hóa, là lịch sử. Đừng chỉ vì sự phát triển của đô thị hiện đại mà quên đi những giá trị xưa cũ cần được bảo tồn và tồn tại song hành. Tại sao ở các nước rất hiện đại như Nhật Bản, Pháp, người ta bảo tồn những giá trị xưa rất cẩn thận, với một thái độ tôn trạng và nghiêng mình trước quá khứ, trong khi chúng ta cứ thích phá và xây.