- Nhà văn gieo hạt giống tâm hồn cho thế giới tuổi thơ
- Ca sĩ Thanh Bùi: Sống với chính bản thân là điều hạnh phúc nhất
- “Ăn xổi” vai diễn, Nhã Phương khiến khán giả bực mình
Danh hài Thúy Nga và vai diễn gây nhiều tiếc nuối cho người xem
Thiếu thuyết phục
Bộ phim của đạo diễn Võ Tấn Bình kể về cuộc hành trình được giới thiệu là điên rồ và hài hước của ba cô gái: một cô phóng viên tập sự ngây thơ và mơ mộng, một cô hướng dẫn viên có lối sống hướng ngoại và tính cách nam tính và người còn lại là một phụ nữ quanh năm chỉ biết cắm đầu vào chuyện bếp núc.
Cả ba tình cờ gặp nhau trên một chuyến phà đi về vùng quê Cù Lao Mắm Ruốc và chỉ sau dăm ba câu hỏi han đã trở nên thân thiết, gắn bó với nhau như những người bạn tâm giao và rồi sau đó là những cuộc vui chơi tưng bừng đến nỗi tỉnh dậy thì chẳng ai còn nhớ việc gì đã xảy ra! Đáng nói ở chỗ ngay từ nút gắn kết ban đầu gợi mở ra cuộc hành trình mà sau này cả ba sẽ trải qua cùng nhau được xây dựng một cách cẩu thả và dễ dãi.
Các mối nối của phim sau đó cũng được xây dựng một cách vá víu và gượng gạo, như sự xuất hiện của nam diễn viên Hiếu Nguyễn trong vai một anh chàng “từ trên trời rơi xuống”, chỉ vì có thể hình đẹp nên lọt vào những cặp mắt xanh và tự dưng liên quan đến cuộc hành trình khó hiểu của ba cô nàng này.
Xem phim có thể cảm nhận rõ sự thiếu logic từ khâu kịch bản và cả sự vụng về của đạo diễn khi “đính” các tình tiết vào nhau một cách sơ sài. Dĩ nhiên, đây không phải là một bộ phim nghệ thuật, nhưng chí ít một bộ phim giải trí cũng nên có lối kể chuyện thuyết phục hơn để người xem không rơi vào cảm giác hụt hẫng như nhai phải cơm sống.
Dễ dãi quá hóa vô duyên
Có lẽ đây là một trong những bộ phim điện ảnh mà nhà sản xuất không phải mạnh tay đầu tư về vấn đề trang phục nhất từ trước tới nay. Phim về ba cô nàng nhưng không có những tình huống khoe váy áo, các nhân vật từ đầu đến cuối phim cũng chỉ mặc hai, ba bộ trang phục. Song không hiểu do nhà làm phim tư vấn hay diễn viên tự chọn trang phục mà có không ít bộ váy áo khiến người xem không khỏi “nóng” mắt.
Dù không quá hở hang song đặt trong nhiều bối cảnh thì có những bộ trang phục khiến nhân vật trở nên rất phản cảm. Đơn cử như nhân vật Ngọc Vy - cô phóng viên tập sự mà người đẹp Hoàng Oanh đảm vai, có lẽ vì được giới thiệu là một cô gái có tâm hồn trong sáng và lãng mạn nên từ đầu đến cuối phim, cả khi đi tác nghiệp thì Ngọc Vy vẫn ăn mặc như đi nghỉ mát.
Chiếc váy yếm ngắn cũn cỡ được cô mặc cả khi vào chỗ thờ cúng ông Tổ đình linh thiêng nhất của người dân vùng đất Cù Lao để hỏi chuyện người trông coi nơi này và cả trong lễ giỗ Tổ vốn được xem là nghi lễ truyền thống từ bao đời nay của bà con nơi đây.
Dĩ nhiên vì là phim nên chẳng ai mời cô phóng viên này ra ngoài chỉ vì mặc váy ngắn, nhưng người xem thì vẫn cứ bị tức anh ách vì sự thiếu hiểu biết và phục trang dễ dãi. Không khó để nhận thấy nhà làm phim muốn lột tả tính cách ngây thơ mơ mộng của nhân vật do Hoàng Oanh diễn xuất, mà muốn làm thế thì phải để diễn viên mặc váy trắng tinh khôi và nhí nhảnh như thể gái mười sáu(!?).
Điều này cũng lặp lại với diễn viên hài Thúy Nga khi từ một người phụ nữ bình dị, sau một đêm say khướt thì cô ăn mặc trông không khác gì kẻ dở người. Đấy là chưa kể, tuy được kỳ vọng sẽ đem lại tiếng cười nhiều nhất trong phim song nhân vật do Thúy Nga hóa thân lại không đủ sức gây cười cho người xem mặc dù cô diễn rất ngọt.
Xem Thúy Nga đóng, nhiều người không khỏi tiếc vì nếu như nữ nghệ sĩ hài này xuất hiện trong một bộ phim có kịch bản hay hơn, sâu hơn, được xử lý khéo léo hơn thì người xem đã có dịp cười sảng khoái chứ không đến nỗi cười nhếch mép cũng khó khăn.
“Bộ ba rắc rối” được làm theo kiểu hài hành trình, nhưng xem ra trong suốt cuộc hành trình chỉ khiến người xem thấy bị bỏ rơi vì không hiểu phải đi tiếp với nhân vật kiểu gì. Còn với đạo diễn Võ Tấn Bình, lần thử sức thứ hai với điện ảnh của anh, dù có sự hậu thuẫn rất lớn của những tên tuổi sản xuất phim tầm cỡ nhưng vị đạo diễn này vẫn không thoát được cách làm hài nhảm, vô duyên và vô lý như ở “Nàng men chàng bóng” cách đây 3 năm.