- Nhà vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh tuổi học trò (2): Trường nội thành cũng "khóc"
- Tìm được tình yêu đích thực trên tường nhà vệ sinh
- Nhà vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh tuổi học trò (1): Trường chuẩn "trắng" nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh là vấn đề trăn trở nhất với hiệu trưởng
Đây là chia sẻ từ một hiệu trưởng một ngôi trường thường xuyên “quá tải” về nhu cầu vào học của Hà Nội. Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội một trong những công việc đầu tiên phải làm trước khi vào năm học mới với trường là cải tạo nhà vệ sinh. Với thiết kế cũ, còn nhiều hạn chế, tình trạng ngấm nước, tắc, vòi khóa hỏng, thiết bị xuống cấp…thường xuyên xảy ra nên năm nào nhà trường cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc sửa chữa khu vệ sinh.
“Một gia đình chỉ có 5, 7 người nếu không cọ rửa thường xuyên thì đã thấy ngay vấn đề, trong khi trường học trên 1.000 học sinh thì tình trạng bốc mùi, hỏng hóc là khó tránh khỏi. Việc duy trì khu vệ sinh ít phát sinh vấn đề nhất là điều khiến tôi phải trăn trở nhất. Làm sao để học sinh không sợ vào nhà vệ sinh trường học không phải là chuyện dễ. Trường chúng tôi, ngoài việc thuê lao công trực ở khu vệ sinh liên tục vào các giờ cao điểm để dội, rửa kịp thời thì việc giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh được chú trọng.” – bà Yến cho biết.
Để làm được việc này, ở trường, các thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở học sinh trong các giờ sinh hoạt, học ngoại khóa, chính khóa. Học sinh dễ nhớ nhưng cũng nhanh quên, cứ lơi ra không nhắc là lại trở về thói quen cũ. Một trong những thói quen mà trường tôi vẫn duy trì thường xuyên vào giờ ra chơi là đánh trống điểm, nhắc nhở các con dành vài giây nhìn xung quanh nơi mình đứng nếu có giấy, rác thì nhặt bỏ vào thùng rác. Điều này sẽ trở thành thói quen tốt cho học sinh trong việc chia sẻ trách nhiệm đồng thời giảm tải công việc cho các bác lao công.
Nhà vệ sinh trường học có thể chưa hiện đại nhưng phải sạch sẽ
Không thể coi nhà vệ sinh trường học là “công trình phụ”
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, quan niệm khu vệ sinh trong trường học vẫn được gọi là công trình phụ cần phải được thay đổi. Nhà vệ sinh không thể là “công trình phụ” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của học sinh, đặc biệt là những học sinh tiểu học, cả ngày ở trường. Khỏi phải nói, tình trạng nhà vệ sinh trường học xuống cấp, hỏng hóc tác động xấu thế nào tới tâm lý, sức khỏe học sinh. Điều này đã được dư luận xã hội phản ánh nhiều. Tuy nhiên, biến chuyển trong các trường học chưa lớn. Vấn đề là các nhà quản lý, các vị hiệu trưởng không phải ai cũng quan tâm đến chuyện nhà vệ sinh bẩn hay sạch và không coi đây là việc đáng quan tâm. Nếu hiệu trưởng quan tâm, chắc chắn sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi. Có lẽ cần đưa vào tiêu chí đánh giá nhà trường về chuẩn mực môi trường sư phạm.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng của trường học nói riêng, của xã hội nói chung. Thói quen xấu của người Việt Nam khi sử dụng các công trình công cộng chính là vì không được xây dựng khi còn ở trường học. Các cơ quan, trường học phải là tấm gương trong việc giữ gìn môi trường công cộng sạch đẹp chứ không phải như hiện nay khi khu vệ sinh nói chung đều thiếu vệ sinh. Việc bố trí cho học sinh lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức xử phạt lao động với những học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần là cần thiết. Cần thống nhất với phụ huynh, học sinh, đây không phải là đầy ải học trò mà là giáo dục ý thức đạo đức, thói quen lao động và biết phê phán với nhưng thói hư, tật xấu.