Không thể “chiều theo” các trường

ANTĐ - Không đơn giản tuyển sinh được nhiều hay ít, sáng 5-8, lãnh đạo nhiều đại học ngoài công lập đã nhất trí nếu tiếp tục đặt mức điểm sàn như mọi năm thì Bộ GD-ĐT dù là vô tình cũng đang đẩy những trường này vào chỗ tự kết thúc.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khó có thể hạ thấp hơn và không thể “chiều” các trường với mức điểm sàn khác nhau.

Tranh cãi về điểm sàn gay gắt trước mối lo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu

Vẫn chưa hút được thí sinh

Lý giải về những khó khăn trong công tác tuyển sinh ĐH, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cho biết, quan niệm về tư thục, dân lập trong xã hội hiện vẫn rất nặng nề. “Khá nhiều trường ĐH công lập đang lấy mức điểm sàn của Bộ để tuyển đầu vào. Nếu như vậy thì các gia đình sẵn sàng đăng ký vào những trường này thay vì vào trường dân lập vì chi phí thấp hơn và vì cả danh tiếng của trường công lập”. So sánh về chất lượng đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất, ông Trần Hữu Nghị cho rằng nhiều trường dân lập có điều kiện tốt hơn công lập. “Chúng tôi có cơ sở vật chất tốt, sinh viên được đào tạo toàn diện. Đầu vào không cao bằng các trường công lập nhưng thống kê chúng tôi có hơn 93% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, trong đó hơn 70% làm đúng ngành nghề đào tạo. Đây là kết quả mà không phải trường công lập nào cũng có được” - ông Nghị cho biết. Mặc dù chất lượng tốt nhưng vì hai chữ “dân lập”, “tư thục” mà các trường ngoài công lập vẫn chưa thu hút được thí sinh.

Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây nhấn mạnh, nếu các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ đến lúc phải tan. Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường đã phải rất vất vả để chiêu sinh. Năm nay, nếu như một số trường công lập dự định lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không còn thí sinh cho trường ngoài công lập. “Khi mới thành lập cách đây 4 năm, trường tôi tuyển được 700 sinh viên. Năm sau được 600, rồi năm ngoái xuống còn 400, năm nay để có 200 sinh viên có khi cũng khó” - ông Huỳnh lo lắng.

Trước tình hình này, các lãnh đạo đều đề đạt nguyện vọng nếu chưa bỏ được điểm sàn thì Bộ GD-ĐT khi xác định mức điểm sàn cần tính đến yếu tố “ảo” và đưa ra hệ số dôi dư an toàn để các trường có đủ nguồn tuyển.

Điểm sàn hạn chế cơ hội?

Trước đề xuất của khối các trường ngoài công lập, không phải chỉ năm nay mà các năm trước, Bộ GD-ĐT luôn giữ quan điểm phải đảm bảo điểm sàn ở mức tối thiểu như hiện nay để tạo ngưỡng cho chất lượng đầu vào ĐH, CĐ. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước và Bộ không thể chiều theo các trường. Muốn học ĐH, người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định nên cần có sự sàng lọc.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nếu trường chưa tạo được uy tín thì nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học và khẳng định: “Bộ sẽ tính toán để thí sinh trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, đảm bảo đủ nguồn tuyển. Bên cạnh đó, Bộ đã cho phép thí sinh rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển NV2, NV3. Như vậy, với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh”.

Tuy nhiên, theo đại diện trường ĐH DL Thăng Long, thực tế đào tạo cho thấy không phải cứ thủ khoa đầu vào thì cũng đạt thành tích cao ở đầu ra. “Thống kê quá trình đào tạo của chúng tôi cho thấy, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của trường nhiều năm nay không phải là những thí sinh trong tốp điểm cao đầu vào”. Như vậy, chất lượng được giới hạn vào điểm sàn là không đủ căn cứ, theo ý kiến của đại diện trường ĐH DL Thăng Long cũng như nhiều trường khác. Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho rằng, vừa mới tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Vấn đề ở đây là cách ra đề thi. Điểm sàn không phản ánh toàn bộ chất lượng đào tạo mà phụ thuộc nhiều vào đề thi cụ thể. “Trong khi đó, điểm sàn chính là nguyên nhân làm chết các trường tốp dưới, vô tình làm thui chột chủ trương xã hội hóa của cả nước” - ông Định phân tích.