“Không thể bóp méo sự thật lịch sử”

ANTĐ - Tiếp theo loạt bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng Nhà nghiên cứu lịch sử - TS. Nguyễn Nhã.

Tàu cảnh sát biển Việt  Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Quân đội Nhân dân

- PV: Vừa có thông tin, một số học giả Trung Quốc lên tiếng bác bỏ những lập luận của các nhà khoa học nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- TS. Nguyễn Nhã: Một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng Lịch sử Trung Quốc đã từng nói đến việc người Trung Quốc đánh bắt cá và đưa thuyền buồm tới khu vực từ đời nhà Tần, từ năm 221 tới 206 trước Công nguyên, và bắt đầu có quyền tài phán đối với 2 quần đảo này ít nhất là từ đời nhà Đường, từ năm 618 tới năm 907. Họ cũng cho rằng các quần đảo mà sách sử Việt Nam nói là do Việt Nam khám phá từ thế kỷ thứ 17 thật ra không phải là 2 quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa, mà là các quần đảo và bãi cạn khác gần khu vực duyên hải của Việt Nam. Tôi  khẳng định, những lập luận họ đưa ra mơ hồ thậm chí xuyên tạc và thiếu tôn trọng lịch sử. Có rất nhiều tư liệu của chúng ta đã chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa.

- Điều đó có nghĩa, bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra nhằm bóp méo sự thật?

- Đúng như vậy, tôi xin dẫn ra 2 sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến sự việc này trong Lịch sử Trung Quốc: Năm 1909, Chính quyền Quảng Đông tuyên bố Paracels - Cát Vàng (tức Hoàng Sa) là đất vô chủ (res - nul -lius), đã cho tàu chiến đến thám sát, thực hiện chủ quyền theo cách thức phương Tây như bắn 21 phát súng đại bác, cắm cột mốc chủ quyền nhưng khi ấy Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất quyền tự chủ ngoại giao.

Trước đó, năm 1898 nhằm từ chối bồi thường theo yêu cầu của công ty bảo hiểm Anh, việc dân Hải Nam hôi của tàu Le Bellona của Đức đắm năm 1895 và tàu Imazi Maru của Nhật đắm năm 1896 ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc đã khẳng định Paracels không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Qua đó thấy rõ Trung Quốc không hề có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa và dĩ nhiên trước năm 1909, Trung Quốc không có bất cứ bản đồ nào hay bất cứ tư liệu lịch sử nào từ chính sử, địa chí đến các văn bản của nhà nước ghi nhận việc xác lập chủ quyền  của các chính quyền Trung  Quốc tại đây. Ngay tên Tây Sa, Trung Quốc cũng chỉ mới đặt sau năm 1909 và Nam Sa lúc đầu gọi là  Trung Sa, đến năm 1947 mới chỉ vị trí hiện nay. Vì sự thật là như thế, nên tất cả tài liệu viện dẫn của Trung Quốc khi thời Minh, khi thời Tống khi thời Đường, thời Hán, thời Tần Thủy Hoàng đều mang tính suy diễn, bóp méo xuyên tạc sự thật. 

- Như vậy, chưa hề có một tài liệu nào của Trung Quốc từ trước năm 1909 thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thưa ông?

- Trong Nhị thập ngũ sử (25 Bộ chính sử) của Trung Quốc, chưa hề nhắc đến việc Trung Quốc đã từng có chủ quyền tại 2 quần đảo của nước ta. Những thông tin, bằng chứng, lập luận của phía Trung Quốc là xuyên tạc sự thật. Còn cứ nói bừa Hoàng Sa của Việt Nam  thế kỷ 19 là đảo ven bờ khi viện lý do các bản đồ Việt Nam thế kỷ XIX vẽ không có tọa độ là quá phiến diện. Tôi cho đó là sự ngụy biện, bằng chứng còn thể hiện ở việc phía Trung Quốc ngụy tạo các ghi chép về quãng đường và thời gian từ cửa Đại Chiêm ra Hoàng Sa chỉ mất nửa ngày. Trong khi đó, chính sử của chúng ta chép rõ ràng rằng, từ Đại Chiêm ra Hoàng Sa đi mất 3 ngày 3 đêm hoặc cũng có tài liệu viết là 3, 4 ngày đêm. Hơn nữa, các tài liệu này không chỉ Việt Nam còn lưu giữ, mà ở rất nhiều tài liệu khách quan của Phương Tây, thậm chí của chính Trung Quốc cũng khẳng định Paracel - Cát Vàng (tức Hoàng Sa) ở tọa độ hiện nay như trong tấm bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Giám mục Taberd vẽ năm 1838. 

- Trung Quốc đang ngụy tạo bằng chứng, nói không thành có?

- Thời đại hiện nay không gian trái đất ngày càng thu nhỏ, tình trạng cá lớn nuốt cá bé đã qua rồi, mọi sự ngụy tạo những chứng cứ, không tôn trọng lịch sử chắc chắn chỉ nhất thời. Khi sự thật lịch sử được minh chứng chắc chắn được mọi người kể cả người Trung Quốc bảo vệ,  tôn trọng.

- Theo ý kiến cá nhân của ông, chúng ta cần phải làm những gì để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo trên?
- Chúng ta chỉ cần làm như Trung Quốc đã làm đó là Thành lập một Viện nghiên cứu Biển Đông trực thuộc Chính phủ, tập trung các viện nghiên cứu địa phương có quy mô nhỏ lẻ thành một mối. Cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo trong và ngoài nước quảng bá về Biển Đông. Chúng ta phải luôn bám sát những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền có từ lâu đời tại Hoàng Sa và Trường Sa.

- Được biết, ông vừa tham gia một cuộc hội thảo về vấn đề biển Đông được tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ). Xin ông cho biết những thông tin về cuộc hội thảo này.
- Trong cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Đại học Harvard, tôi nhận thấy quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh tham luận của các diễn giả về những căn cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, hội thảo đã dành nhiều thời gian bàn và kiến nghị các giải pháp giải quyết những vấn đề về biển Đông và việc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Về mặt pháp lý quốc tế duy nhất chỉ có Việt Nam có rất nhiều văn bản nhà nước cụ thể các châu bản triều Nguyễn, văn bản hành chính thế kỷ 19 và sau đó luôn ghi nhận Việt Nam cho thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây, đào giếng, xây dựng miếu thể hiện dấu ấn nhà nước tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chính sử, địa chí, bản đồ của Việt Nam cũng như Phương Tây và của chính người Trung Quốc cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

- PV: Xin cảm ơn ông.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 

(Ảnh: Vũ Anh Tuấn)

“Tất cả các dân tộc đều phải tôn trọng lịch sử, việc cố tình bóp méo,  xuyên tạc sự thật phải chấm dứt ngay lập tức ”.

Nhà nghiên cứu lịch sử - TS. Nguyễn Nhã

Tiến sĩ  sử học Tạ Ngọc Liễn: “Cần cơ quan chuyên trách thu thập chứng cứ”

Chúng ta đang làm rất tốt công tác tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, nhiều nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu rất có giá trị. Không ít trong số họ hiện đang sở hữu rất nhiều tư liệu quý giá về Hoàng Sa và Trường Sa mà ta đang muốn đưa ra làm chứng cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên những chứng cứ, tài liệu đó lại chưa tập trung còn rải rác khắp nơi. Như tôi được biết nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hay nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã đều đang sở hữu những tư liệu quý, có giá trị cao. Tôi nghĩ, chúng ta cần lập ra một cơ quan chuyên trách phụ trách thu thập các tư liệu, chứng cứ cũng như tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học để công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.