Không quên khuyến cáo

ANTĐ - Điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tăng giá điện đầu tháng 8, mặc dù theo lộ trình đã được vạch ra sẵn, nhưng vẫn không khỏi gây choáng cho giới sản xuất, kinh doanh cũng như việc chi tiêu hàng ngày của người dân. Điện là đầu vào của các ngành sản xuất nên tăng giá điện tất yếu sẽ tác động tới các mặt hàng thiết yếu, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn. Từ người dân tới doanh nghiệp không thể không tăng chi phí.

Sau khi khẳng định chắc chắn phải tăng giá điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc nhở, nếu điều chỉnh giá điện, giá viện phí không khéo lập tức kéo lạm phát quay trở lại, vì yếu tố tâm lý là rất lớn. Ông dẫn chứng như tăng lương, có khi lương chưa đến tay thì bát phở, cân thịt, con cá đã tăng giá rồi. Bộ trưởng cũng chia sẻ với quan điểm không thể lấy giá điện của Việt Nam so với thế giới vì nước ta còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp. Vì vậy, Nhà nước sẽ bao cấp cho người nghèo (tiêu thụ khoảng vài chục kWh/tháng), hỗ trợ cho người thu nhập thấp; khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ ít điện bằng cơ chế thuế, chứ không giữ giá điện thấp để bao cấp tất cả. 

Dưới góc nhìn của một số chuyên gia, thời điểm tăng giá điện có thể coi là hợp lý, song diễn biến giá cả từ nay tới cuối năm phụ thuộc rất lớn vào các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục. Trên thị trường thế giới, giá xăng, dầu, phân bón, phôi thép, nông sản biến động phức tạp, giá các mặt hàng này ở trong nước sẽ diễn biến theo. Theo Viện Kinh tế - Tài chính, nếu Chính phủ thực hiện các quyết sách mạnh điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng và nhạy cảm hoặc sớm nới lỏng tiền tệ để tạo động lực cho tăng trưởng cao hơn, thì CPI tháng 12-2013 sẽ còn tăng lên so với cùng kỳ năm 2012 ở mức 5,5 - 6,5%. Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích, tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép khiến Chính phủ tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, điều chỉnh tăng giá điện, than, xăng dầu, giá viện phí. Từ đó sẽ tạo áp lực lên lạm phát và làm xói mòn những thành quả bước đầu của ổn định vĩ mô. Thời điểm này, Việt Nam đang “mắc kẹt” ở giai đoạn tăng trưởng chậm lại dài nhất kể từ thập niên 1980.

Mục tiêu đặt ra cho cả năm nay là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%. Thực hiện lộ trình tăng giá theo cơ chế thị trường là hiển nhiên, song không nên quên khuyến cáo của giới chuyên gia: nếu tăng giá ồ ạt, không hợp lý, nhất là kiểm soát không chặt, thì cái giá phải trả chính là lạm phát tăng cao trở lại bất chấp các giải pháp ngăn chặn.