Không phải sửa thông tin trên “sổ đỏ” khi cấp Căn cước công dân mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Nhà nước đang có chủ trương làm Căn cước công dân (CCCD) mới cho tất cả công dân. Xin hỏi, khi được cấp Căn cước công dân mới rồi có phải đính chính trên sổ đỏ hoặc những giấy tờ tương tự không? Các giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân (CMND) cũ có ảnh hưởng không? Đoàn Văn Sơn (Hà Nội)
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật (Ảnh minh họa)

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân

vẫn nguyên hiệu lực pháp luật (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Cụm từ “sổ đỏ” thường để chỉ đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người dân. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 6, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) về thể hiện thông tin đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận thì: 1.

Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau: a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số”… Như vậy là thông tin về số CMND hoặc số thẻ CCCD của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi trên sổ đỏ.

Trong khi đó, tại điểm g, khoản 1, Điều 17, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14, Điều 6, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) đã quy định về các trường hợp xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Cụ thể là: “1. Các trường hợp xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp để trao cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm:... g) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số CMND, số thẻ CCCD, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số CMND, số thẻ CCCD, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự)

Từ đó có thể thấy, việc thay đổi thông tin về số CMND, CCCD trên sổ đỏ không thuộc trường hợp đăng ký biến động tại khoản 4, Điều 95, Luật Đất đai 2013. Hơn nữa, tại khoản 3, Điều 38, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: “Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật”. Như vậy, khi có thay đổi về thông tin số CMND 9 số sang CCCD gắn chíp, người sử dụng đất có quyền yêu cầu thay đổi thông tin đó trên “sổ đỏ”, nhưng phải thực hiện đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai. Pháp luật không bắt buộc phải sửa sổ đỏ trong trường hợp này. Những trường hợp đổi từ CMND 12 số, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp không làm thay đổi số CCCD.

Tuy nhiên, trên thực tế khi thay đổi CMND người dân thường vẫn còn những giao dịch dân sự khác nên khi làm CCCD mới thì lên giữ lại CMND cũ để thực hiện tiếp các giao dịch còn lại như hướng dẫn tại khoản 3, Điều 38, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: “Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật”.