Không nên cho bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng

ANTĐ - Đó là ý kiến của TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương. Theo ông Phú, thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc thì không nên cho bác sĩ kê đơn mà chỉ tư vấn cho người bệnh quyết định.

Người bệnh cần biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc để tránh tốn kém không cần thiết

Lập luận còn nhiều mâu thuẫn

Kết quả một điều tra của Cục ATVSTP - Bộ Y tế thực hiện tại Hà Nội cho thấy, cứ trong 100 người lớn thì có 56 người sử dụng TPCN, còn ở TP Hồ Chí Minh thì cứ 100 người lớn có 48 người sử dụng. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người đã sử dụng loại thực phẩm này vì thực sự có nhu cầu, thực sự tin tưởng vào tác dụng của nó, bao nhiêu người sử dụng chỉ vì nghe theo quảng cáo, mời chào của các hãng kinh doanh hoặc lầm tưởng đây là một loại thuốc chữa bệnh?... Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật ATTP, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

Như vậy, TPCN về bản chất không phải là thuốc. Thế nhưng tại hội thảo về TPCN vừa diễn ra cách đây hơn một tuần, với lập luận nhiều người không hiểu đúng, không dùng đúng TPCN dẫn tới những hậu quả đáng tiếc nên một số ý kiến đã đề xuất cho phép bác sĩ được phép kê đơn TPCN. Tại buổi tọa đàm ngày 9-11, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam một lần nữa cho rằng, quy định cấm kê đơn TPCN là không phù hợp thực tiễn và cần kiến nghị hủy bỏ. Cũng theo ông Trần Đáng, dù cấm nhưng thời gian qua nhiều BV vẫn thường xuyên kê đơn TPCN. Chẳng hạn, một BV mắt ở Hà Nội trong những năm qua điều trị cho 10.000 bệnh nhân và đều kê 2 loại TPCN, có hiệu quả tốt. Ông Đáng còn cho rằng, nếu nhà nước có chính sách đầu tư cho ngành TPCN, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về TPCN với vai trò như một “vaccine” phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì ngành này sẽ phát triển.

Hiểu theo cách đó, TPCN không phải là sản phẩm có thể sử dụng tùy tiện như rau, củ, quả… mà cần phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ, nếu sử dụng không đúng có thể bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi như vậy, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện TPCN nhấn mạnh, TPCN về mặt khoa học là an toàn bởi vì đây là hoạt chất tự nhiên, cũng vì an toàn nên ai cũng sử dụng được TPCN, từ người già đến người trẻ, người có bệnh hay không có bệnh. Theo ông Hoàng, một số trường hợp sử dụng TPCN gặp phản ứng phụ, bị dị ứng là điều hết sức bình thường bởi ngay cả những loại thực phẩm phổ thông như tôm cua, ốc, ếch...  vẫn có một tỷ lệ người bị dị ứng khi sử dụng.

Tư vấn và kê đơn là khác nhau

Một câu hỏi được đặt ra, nếu cho bác sĩ kê đơn TPCN, nếu tuyên truyền TPCN như một vaccine phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì liệu người dân có được lợi hơn hay lợi ích sẽ chỉ rơi về một bộ phận nào đó? Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Y tế Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng, ông không phản đối chuyện cho bác sĩ kê đơn TPCN vì loại thực phẩm này tốt cho sức khỏe, song vấn đề là phải cân nhắc cho phù hợp với hiểu biết cũng như điều kiện kinh tế của người dân. Nếu người dân thực sự nhận thức được sự cần thiết của TPCN, có đủ điều kiện kinh tế để trang trải cho TPCN thì lúc đó cho kê đơn cũng không sao. Còn hiện tại, người dân lo tiền mua thuốc còn khó khăn thì chưa nên để họ phải thêm nặng gánh vì chi trả cho loại TPCN được kê trong đơn thuốc. 

Tương tự, TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho rằng, TPCN không phải là thuốc thì không nên cho bác sĩ kê đơn mà chỉ tư vấn cho người bệnh quyết định. Sự tư vấn là cần thiết song nó khác về bản chất so với việc kê đơn. Theo ông Phú, hiện công tác quản lý đơn thuốc phối hợp trong các BV đã rất khó khăn, nếu có thêm TPCN thì đơn thuốc sẽ “dài” cỡ nào, công tác quản lý của cả ngành dược lẫn ngành y, của hệ thống BV sẽ càng thêm vất vả. Đặc biệt, đối với người bệnh, tiền thuốc đã rất tốn kém, nếu cho bác sĩ kê đơn TPCN mà không quản được tình trạng lạm dụng kê đơn, nhất là phần hoa hồng cho kê đơn TPCN rất cao, gánh nặng sẽ đổ lên đầu dân khi một nhóm thu về lợi ích từ việc này.

Giá đắt vì… chiết xuất từ thiên nhiên

Trả lời câu hỏi về giá các loại TPCN, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, TPCN phải chiết xuất hoạt chất từ thiên nhiên, cây cỏ, khoáng chất… mà thường cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn. “Nói nó đắt hay không đắt chỉ là về bản chất, TPCN giúp người dùng có ý thức phòng ngừa bệnh tật, nếu rẻ quá thì như người ta vẫn thường nói của rẻ là của ôi nên đôi khi người dùng lại không coi trọng sử dụng” - ông Hoàng phân tích. Ông Trần Đáng bổ sung thêm, có 3 yếu tố khiến giá TPCN còn cao, gồm: mức thuế cao, các nhà kinh doanh muốn lấy lợi nhuận cao, cuối cùng là bản thân TPCN có hiệu quả, được sản xuất theo những công nghệ rất hiện đại.