Không hạn chế nguyện vọng, lại lo thí sinh ảo

ANTD.VN - Việc tổ chức xét tuyển riêng của các trường đại học năm 2016 dẫn đến lượng thí sinh ảo lớn và các trường gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. 

Được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh vẫn cần cân nhắc kỹ

Bên cạnh đó, tình trạng này cũng dẫn đến sự bất công cho thí sinh. Chẳng hạn, có thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 nhưng sau đó, các trường hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung thì những em đó mặc dù đủ điểm trúng tuyển nhưng không còn cơ hội vào học trường mình yêu thích.

Năm 2017, với dự kiến tổ chức xét tuyển chung trong cả nước thì những hạn chế, bất cập trên được Bộ GD-ĐT khắc phục. Theo đó, các trường sẽ không còn thí sinh ảo, đồng thời, tính công bằng giữa các thí sinh sẽ được nâng lên. Thí sinh nào điểm cao sẽ đỗ vào nguyện vọng cao hơn, không có chuyện điểm cao thì lại trượt còn người điểm thấp hơn lại đỗ như năm 2016. 

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thí sinh không chỉ chọn tối đa 2 - 3 trường trong một đợt tuyển sinh như năm nay mà được chọn nhiều hơn. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới cho các nguyện vọng của mình. Ví dụ, thí sinh có 10 nguyện vọng, có thể trúng nguyện vọng 1, cũng có thể là nguyện vọng 2, hoặc nguyện vọng 10 tùy mức điểm của thí sinh. Mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển vào một trường duy nhất thuộc nguyện vọng cao nhất tính từ nguyện vọng 1.

Tuy nhiên, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Thủy lợi lại lo ngại, dù các trường đều biết thông tin đăng ký của thí sinh nhưng rất khó biết được các em có đến trường nhập học hay không. Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trong năm 2016 nhưng khi trượt nguyện vọng 1 thì dù trúng tuyển các nguyện vọng tiếp theo các em vẫn không nhập học. Đây là vấn đề mà các trường rất lo ngại khi phụ thuộc vào quyết định mỗi cá nhân thí sinh chứ không phải do phần mềm lọc ảo quyết định. 

Giải thích về việc để cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nên hạn chế được tối đa tình trạng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển chính.