Quy định 77 công việc không dùng lao động nữ:

Không dễ đi vào cuộc sống

ANTĐ - Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH quy định danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ. Đây là một chính sách cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, song theo nhận định của nhiều chuyên gia và các bên liên quan, quy định này không dễ đi vào cuộc sống.

Không dễ đi vào cuộc sống ảnh 1
Nhiều phụ nữ vẫn đang phải lao động nặng nhọc để mưu sinh

Nhiều người lo mất việc

Trong danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ, trên thực tế hiện đang có số lao động nữ tham gia làm việc khá đông. Thậm chí, khi nhìn vào danh mục này dễ dàng nhận thấy có những công việc mà hầu hết lao động tham gia là nữ giới hoặc nữ giới đang làm tốt. Cụ thể như: làm việc trong thùng chim; khai thác phân dơi; các công việc phải mang vác trên 50kg; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối…

Ngoài ra, trong danh mục 77 công việc còn quy định cụ thể 38 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Chẳng hạn như: trực tiếp tiếp xúc (bao gồm: sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng) với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư; mang vác nặng trên 20kg…

Theo khảo sát của chúng tôi, khi được hỏi về quy định nói trên, rất nhiều chủ sử dụng lao động cho rằng nếu bắt buộc áp dụng quy định này sẽ khiến những công việc hiện đang sử dụng nhiều lao động nữ hiện nay bị xáo trộn. Bản thân nhiều người lao động - những người theo lý thuyết được quy định nói trên bảo vệ - cũng tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí còn lo ngại về nguy cơ bị mất việc làm. Chẳng hạn, một nữ công nhân chuyên làm công việc cân đong cao su trong lò xông mủ cao su, trước đây họ có thể làm việc cho đến khi được nghỉ chế độ để sinh đẻ theo đúng thời gian quy định của Nhà nước thì nay, ngay từ khi mang thai cho đến lúc con tròn 1 tuổi, họ sẽ không được làm việc này, đồng nghĩa với mất việc và không có thu nhập.

Lại là quy định trên giấy?

Trao đổi với báo chí ngay sau khi Thông tư 26 có hiệu lực, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, danh mục 77 công việc không sử dụng lao động nữ đã ban hành là danh mục có tính khả thi cao để áp dụng. Mặt khác, danh mục này không áp dụng với tất cả chủ sử dụng lao động hay tất cả đối tượng lao động nữ mà chỉ áp dụng với những trường hợp có quan hệ lao động, sử dụng lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã... Nghĩa là những lao động nữ làm việc tự do, không có hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng bị điều chỉnh. Cũng theo ông Bùi Đức Nhưỡng, danh mục này sẽ là cơ sở để khi các đơn vị kiểm tra, thanh tra thực hiện việc xử phạt, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Tuy nhiên, khi nói về Thông tư này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia bình đẳng giới – nguyên cán bộ Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thống kê về đào tạo nghề của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động không có tay nghề chủ yếu là nữ giới. Với trình độ lao động như vậy, việc “kén cá chọn canh”, từ chối những công việc nặng nhọc, đơn cử như bốc vác, là điều không dễ. Do vậy, chọn lựa công việc nên để tự người lao động quyết định, thuộc về quyền của người lao động chứ không phải là vấn đề cấm hay không cấm. Còn nếu có quy định cấm thì khi ban hành danh mục này cần thiết phải tham vấn trực tiếp người lao động là lao động nữ. Ngược lại, rất có thể quy định nhằm bảo vệ lao động nữ nhưng khi vào thực tế lại thành ra phản ứng ngược. 

Tương tự, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội thẳng thắn cho rằng, đây rất có thể lại là một văn bản pháp luật không khả thi, mang tính chất hình thức. Về bản chất, đây đúng là một quy định mang tính nhân văn nhằm mục đích cao cả là bảo vệ phụ nữ nhưng ngược lại, nó sẽ gây cản trở phụ nữ phát huy năng lực của mình.